TS. Phạm Văn Tân – Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam:
ĐBQH phải là người thể hiện được năng lực và có bản lĩnh
Với vai trò là đại biểu đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, tôi nghĩ mình cần phải tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong việc cung cấp các thông tin đảm bảo tính khoa học, khách quan nhằm giúp Quốc hội có đủ bằng chứng xác thực để cẩn trọng trước khi biểu quyết thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chúng tôi sẽ huy động các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực trong toàn hệ thống Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhằm hình thành các nhóm chuyên gia tư vấn có đủ năng lực hỗ trợ việc thu thập, tổng hợp và phân tích các thông tin đảm bảo tính khoa học, khách quan…. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đại biểu Quốc hội khác để phản ánh được đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của cử tri, phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân…
Theo tôi, hiện nay những vấn đề đang được người dân đặc biệt quan tâm và kỳ vọng ở Quốc hội khóa XIII như: đất đai, giáo dục, khám chữa bệnh, ô nhiễm môi trường, việc làm, thất nghiệp, lạm phát, lãng phí thất thoát của công,… Vì vậy Quốc hội cần quan tâm giải quyết các vấn đề nổi cộm gây bức xúc trên, và các đại biểu Quốc hội khi đã được bầu phải là những người thể hiện được năng lực và có bản lĩnh đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, chứ đừng nên “qua cầu rút ván”.
PGS. Bùi Thị An – Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội; Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng
Làm sao để cán bộ khoa học có thể làm giàu chính đáng bằng trí tuệ của mình
Tôi cho rằng phát triển khoa học là mấu chốt thúc đẩy nền kinh tế xã hội của đất nước phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, khoa học của chúng ta chưa đi vào cuộc sống, khoa học chưa nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, chúng ta còn phải mua nhiều thiết bị nước ngoài, nhập khẩu nhiều hàng hóa, sản phẩm của nước ngoài…. Đó chính là chúng ta chưa có chính sách đầu tư thỏa đáng cho các lĩnh vực khoa học (tự nhiên, xã hội, nhân văn,…) chưa thu hút được người tài. Chỉ có những cơ chế thích hợp mới phát huy hết tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, mới góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân (ăn, ở, học hành, giải trí…) và cuối cùng là để các cán bộ khoa học có thể sống đàng hoàng thậm chí làm giàu chính đáng bằng trí tuệ của mình.
Hơn nữa, với vai trò là một ủy viên ban chấp hành TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội nữ trí thức Việt Nam, tôi quan niệm đầu tư cho phụ nữ và trẻ em chính là đầu tư cho xã hội, vì vậy họ cần được quan tâm một cách thỏa đáng, làm sao để cuộc sống phụ nữ đỡ vất vả hơn, bởi ngoài nhiệm vụ lao động, công tác, kiếm sống như nam giới, phụ nữ còn có chức năng làm vợ, làm mẹ, làm bà… họ cần được bình đẳng trên mọi lĩnh vực… và tất cả con em họ đều được đến trường.
Với tri thức của mình các đại biểu đại diện cho giới khoa học nói chung và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói riêng đã phát huy được vai trò, tiếng nói trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ qua các kỳ Đại hội. Nhiều đại biểu đã có những đóng góp thẳng thắn, tích cực và được dư luận đánh giá cao như: Cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Nhà sử học Dương Trung Quốc…
Diệu Huyền (ghi) |