Thành lập Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc
Chính thức ra mắt tại Hà Nội Ngày 24-4, Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (KRAV) tạo điều kiện để các nhà khoa học, những người làm công tác giáo dục tập trung nghiên cứu, trao đổi học thuật về ngôn ngữ, văn hóa hai nước, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về Hàn Quốc trong các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật, lịch sử, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, củng cố và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc.(Theo Nhân dân 25/4)
Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh 2011
UBND TPHCM vừa chấp thuận về chủ trương tổ chức Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh 2011.
Hội chợ triển lãm nhằm mục đích góp phần thúc đẩy phong trào tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng xanh, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về ý thức tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt; tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quảng bá đưa ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình tiết kiệm; tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ mới về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo của các tổ chức trong, ngoài nước. (Theo Khoa học phổ thông ngày 26/4).
Hai học sinh sáng tạo máy sấy lúa giúp tiết kiệm tiền tỷ
Mô hình máy sấy lúa do Lê Kim Hợi, Lê Minh Hiệu, 2 học sinh lớp 9A, Trường THCS Hải Thiện, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, Quảng Trị tự mày mò sáng tạo đã giúp những người nông dân vùng lũ tiết kiệm hàng tỷ đồng.
Em Lê Kim Hợi cho biết, mỗi lần máy có thể sấy tối đa khoảng 20kg - 28kg lúa trong thời gian 17 phút. Sấy khô 1 tấn lúa ướt chỉ tiêu tốn chừng 280 ngàn đồng theo giá điện hiện nay. Lê Kim Hợi cũng tiết lộ, đã có một người đề nghị mua lại bản quyền máy sấy lúa với giá 20 triệu đồng.
Nhờ có tính ứng dụng cao, đề tài của Lê Kim Hợi, Lê Minh Hiệu đã xuất sắc đạt giải nhất cấp huyện; giải ba cấp tỉnh và giải ba khu vực miền Trung trong cuộc thi "Sáng tạo khoa học - kĩ thuật INTEL ISEF 2011". Đây là cuộc thi quốc tế về khoa học dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9 đến lớp 12 thường niên do chương trình giáo dục của tập đoàn Intel tổ chức. (Theo Giáo dục thời đại ngày 26/4).
Quả tươi nhờ màng MAP
Sau 2 năm triển khai, viện Hóa học đã nghiên cứu và chế tạo thành công loại màng bao gói khí quyển biến đổi (gọi tắt là màng MAP) đạt chất lượng cao. Quả được gói trong các vật liệu mà môi trường khí được thay đổi để ức chế các tác nhân gây hỏng. Nhờ đó, duy trì quá trình sống tự nhiên, kéo dài thời hạn sử dụng.
So với phương pháp bảo quản quả truyền thống khác, màng MAP cho thời gian bảo quản quả lâu hơn mà vẫn giữ được chất lượng của quả từ khối lượng, màu sắc cho đến mùi vị. Tổn thất sau bảo quản đạt dưới 12%, thời gian bảo quản tăng gấp 3 lần so với đối chứng (đạt từ 4 tuần trở lên). Đặc biệt, sau 8 tuần bảo quản mận không thay đổi các chỉ tiêu chất lượng. Hiệu quả kinh tế tăng từ 25 đến 75%, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
So với các sản phẩm cùng loại do Hàn Quốc sản xuất thì màng do các nhà khoa học Viện Hóa học chế tạo có hiệu quả bảo quản tương đương (đạt từ 95 – 100%) và giá thành chỉ bằng 50% giá nhập ngoại. (Theo Đất việt ngày 27/4)
Máy phong điện tự chế cho người vùng sâu
Trần Quốc Hiệu, 24 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ đại học Bách Khoa TP HCM và đại học Grenoble INP của Pháp, đã nghiên cứu và chế tạo chiếc máy phát điện chạy bằng gió, với công suất 60 kW một tháng.
Với lượng điện năng này, một hộ gia đình ở nông thôn có thể đủ thắp sáng.
Hiệu cho biết, khó khăn ban đầu của anh khi lắp ráp tuabin phát điện bằng gió là chế tạo cánh quạt và chọn dynamo phát điện. Cuối cùng sau một thời gian dài nghiên cứu, anh đã chọn đặt làm cánh quạt bằng gỗ (với 3 cánh quạt), còn dynamo lấy từ xe máy. Đây là những linh kiện có thể dễ dàng gia công và mua trên thị trường.
Tuabin phát điện này có công suất lớn hơn loại của Trung Quốc nhưng giá thành thì chỉ bằng một phần ba, Hiệu cho biết. (Theo vnexprees ngày 27/4)
Phần mềm Việt “chẩn bệnh” ôtô
DTD – CODE 5.5 là tên phần mềm tiếng Việt giúp tra cứu mã lỗi ôtô, được nghiên cứu, thiết kế bởi nhóm công nghệ DTD Auto, viện Vật lý – viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.
ThS Dương Tuấn Dũng, thành viên nhóm nghiên cứu giải thích, trên thị trường có một số loại thiết bị “chẩn đoán” lỗi ôtô nhập ngoại. Các thiết bị này đọc được mã lỗi nhưng không thông tin chi tiết về mã lỗi đó trong cơ sở dữ liệu của thiết bị, nội dung quá sơ sài và viết tắt quá nhiều, lại chỉ có tiếng Anh... Nhóm nghiên cứu đã quyết định thiết kế phần mềm giúp xác định chính xác mã lỗi, từ đó nhanh chóng chẩn bệnh cho xe, gợi ý sửa chữa tất cả các loại phương tiện đang lưu hành như xe du lịch, xe tải nhẹ, xe tải trung bình, xe tải nặng, đầu kéo, xe siêu trường siêu trọng, các loại máy sử dụng động cơ ôtô... Đặc biệt, phần mềm hiển thị các thông tin về lỗi xe cũng như gợi ý sửa chữa một cách rõ ràng và chi tiết trên màn hình bằng tiếng Việt.
Một bộ sản phẩm sẽ bao gồm một CD DTD CODE, một vỏ hộp, mã đăng ký bản quyền, tài liệu hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Yêu cầu đối với máy tính không cao, sử dụng hệ điều hành Win XP, Win 7.(Theo SGTT ngày 28/4)
Hoàn thành 43 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước
Ngày 27/4, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước cho biết, trong năm năm (2006 - 2010) có 43 đề tài, dự án nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng được triển khai.
Kết quả nổi bật của các đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực y học và dược, vắc-xin, sinh phẩm y tế. Ðáng chú ý, các thầy thuốc Việt Nam đã thực hiện thành công ghép tim, ghép gan từ người cho chết não và làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng từ người cho chết não. Các thầy thuốc Việt Nam cũng ứng dụng thành công kỹ thuật can thiệp mạch, trong điều trị tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thần kinh. Ngoài ra, các đơn vị trong nước chiết xuất được nhiều hợp chất từ dược liệu trong nước; tổng hợp, bán tổng hợp và tái tổ hợp được một số nguyên liệu hóa dược; nghiên cứu quy trình sản xuất vắc-xin rô-ta sống; sản xuất pa-nen hồng cầu, tạo cuộc cách mạng trong an toàn truyền máu...(Theo Nhân dân 28/4)
Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công robot song song (Gough-Stewart Platform)
Qua gần hai năm thực hiện, PGS.TS. Lê Hoài Quốc (Sở KH&CN TP.HCM) và nhóm cộng sự đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được một robot song song 6 chân dựa trên nguyên lý Gough - Stewart Platform cho mục đích gia công cắt gọt, có khả năng tạo hình tương đương một máy phay CNC 5 trục cỡ nhỏ với chuyển động của bàn máy (mang phôi) được vận hành và điều khiển bởi 6 chân (Hexapod) sử dụng các động cơ tuyến tính tạo chuyển động trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm: làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo robot song song có 6 chuỗi động học, mỗi chuỗi với bậc tự do 1 (Hexapod - Parallel Mechanisms), tạo ra khả năng chế tạo robot song song - Hexapod trong nước để sử dụng vào thực tế công nghiệp. (Theo Khoa học phổ thông ngày 29/4)
Ngọc Anh
|