Bản in
Chương trình KC.10: 50% kết quả nghiên cứu được ứng dụng
Năm năm qua, Chương trình KC.10/06-10 về “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng” đã và đang tạo ra nhiều bước đột phá mới trong việc chữa trị những bệnh hiểm nghèo, mang lại sự sống và niềm hy vọng mới cho người dân.

Với mục tiêu làm chủ công nghệ tiên tiến trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong và nâng cao sức khỏe cộng đồng, các đề tài thuộc chương trình nghiên cứu trong giai đoạn 2006-2010 đều xây dựng trên cơ sở yêu cầu tiếp cận trình độ KH&CN của thế giới và nghiên cứu ứng dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tính cho đến thời điểm hiện tại đã có 13 nhiệm vụ KH&CN đáp ứng được mục tiêu ‘tạo ra tiềm lực KH&CN Y Dược học tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.
 
Bên cạnh đó, các dự án sản xuất thử nghiệm của chương trình đã có nhiều sản phẩm là các thuốc chữa bệnh được thương mại hóa như dự án KC.10.DA.02 với thuốc Naturen; KC.10.DA.04 với thuốc tiêm đông khô methyl presnisolon succinat; KC.10.DA.09 với các sản phẩm viên nang Bát vị quế phụ và Boganic. Đặc biệt dự án KC.10. DA.06 đã sản xuất được 1000 giường cấp cứu đa năng phục vụ bệnh nặng với khoảng 600 giường đã được bán ra thị trường và thu được số tiền lên đến gần 100 tỷ đồng. Đây là những định hướng quan trọng trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Chương trình nghiên cứu KC.10 đã đạt được các chỉ tiêu cơ bản đã được phê duyệt. GS Phạm Gia Khánh - Chủ nhiệm chương trình KC.10 cho biết, cho tới nay, Chương trình đã có 50% nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả là các công nghệ ứng dụng trong các ngành kinh tế - kỹ thuật trong giai đoạn tiếp theo, 30% nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng phục vụ trực tiếp trong  chuẩn đoán, điều trị phòng bệnh và sản xuất kinh doanh các loại thuốc, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị ý tế và 20% nhiệm vụ sẽ được triển khai ứng dụng rộng rãi trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chương trình đã huy động được sức mạnh của cộng đồng các nhà khoa học, với sự tham gia của trên 350 nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao. Thông qua chương trình tiềm lực cũng như trình độ KH&CN trong lĩnh vực y học của Việt Nam đã được nâng cao, sánh bước cùng các nước trong khu vực và trên thế giới. Các kết quả của chương trình đã giúp người bệnh trong nước nhất là những bệnh nhân nghèo được tiếp cận với những kỹ thuật điều trị tiên tiến; các sản phẩm thuốc, vacxin và dược phẩm có giá thành rẻ hơn so với nhập ngoại.

Phương Hoàn – Nguyễn Uyên