|
|||
PII là chỉ số duy nhất đánh giá tổng thể, đầy đủ về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của địa phương được Chính phủ giao Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì xây dựng hàng năm từ năm 2023. Bộ chỉ số PII cung cấp các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương; làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng, thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST; tận dụng các thế mạnh, vượt qua các thách thức; cung cấp công cụ, kĩ thuật cho phép đánh giá, so sánh năng lực, kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST giữa các địa phương cũng như chất lượng điều hành, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST quốc gia để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Hiện nay đã có hơn 30 địa phương ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số PII. Khung chỉ số PII được xây dựng theo nguyên lý của chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Khung chỉ số PII 2024 đã được rà soát trên cơ sở khuyến nghị sau khi đánh giá kết quả PII 2023 của chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO giới thiệu và căn cứ trên dữ liệu, bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương. Một số điều chỉnh nhỏ về nguồn dữ liệu, cách tính toán chỉ số thành phần đã được thực hiện phù hợp thông lệ quốc tế và theo khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc chung của khung chỉ số và phương pháp tính toán chung.
Khung chỉ số PII năm 2024 có 52 thành phần, chia làm 7 trụ cột: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST, gồm: Thể chế; vốn con người, nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động.
Dữ liệu phục vụ xây dựng PII tiếp tục được thu thập ở cả hai nguồn trung ương và địa phương. Trong đó, dữ liệu từ các báo cáo, thống kê của các cơ quan trung ương: 20 chỉ số (38.5%); dữ liệu từ các bộ chỉ số khác: 11 chỉ số (21%); dữ liệu quản lý của Bộ KH&CN: 8 chỉ số (15.5%); dữ liệu do địa phương cung cấp: 13 chỉ số (25%).
Việc xây dựng chỉ số PII của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá cao. Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 65 Đại hội đồng các thành viên, ngày 12/7/2024, tại Geneva, Thụy Sỹ, WIPO đã tổ chức hội thảo để thảo luận về công cụ và kinh nghiệm triển khai chỉ số PII. Kỳ họp có sự tham gia của các quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam là một trong 4 quốc gia đã áp dụng GII trong xây dựng chỉ số PII, được WIPO mời chia sẻ kinh nghiệm. Tại đây, ông Sacha Wunsch-Vincent, Trưởng ban nghiên cứu các chỉ số tổng hợp, Vụ Phân tích dữ liệu và kinh tế, đồng tác giả Báo cáo GII của WIPO cho biết "có rất nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng chỉ số PII của Việt Nam, nhất là trong việc đưa vào một trụ cột về tác động trong đo lường về đổi mới sáng tạo".
Tin, ảnh: Linh Chi |