Bản in
An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia
Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, “Hội thảo - Triển lãm ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024” đã đưa ra những giải pháp cụ thể để bảo vệ hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia trước các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi.

Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024, diễn đàn thường niên thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng an toàn, an ninh mạng trong nước và quốc tế, đã chính thức diễn ra ngày 21/11/2024 tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, với chủ đề “An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia”.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, cho biết, hạ tầng dữ liệu là nền tảng cốt lõi trong hệ sinh thái số, đặc biệt trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và 5G ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các cuộc tấn công mạng với mức độ tinh vi ngày càng cao đang đặt ra nhiều thách thức lớn. Ông khẳng định, việc bảo vệ hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia cần được quan tâm từ giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành, với tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Đây không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo ông Hưng, chủ đề năm nay được lựa chọn nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cùng thảo luận về xu hướng mới, các giải pháp tiên tiến trong bảo vệ dữ liệu và vận hành an toàn các nền tảng số quốc gia.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương khẳng định, năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam khi đạt vị trí thứ 17 trong bảng xếp hạng an ninh mạng toàn cầu. Số vụ tấn công mạng trong 9 tháng đầu năm 2024 đã giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Hệ thống giám sát quốc gia xử lý hơn 10,5 tỷ bản tin, ngăn chặn thành công hơn 14.552 website độc hại và bảo vệ an toàn cho hơn 11,32 triệu người dùng.

Tuy nhiên, hoạt động lừa đảo trực tuyến ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp với hàng trăm nghìn lượt phản ánh từ người dân. Hơn 90% camera giám sát sử dụng tại Việt Nam có nguồn gốc nước ngoài, tạo ra nguy cơ rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Đặc biệt, nguồn nhân lực an ninh mạng hiện chỉ khoảng 38.000 người, chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân, là con số khá thấp so với nhu cầu phát triển.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, để đối phó với những nguy cơ ngày càng phức tạp, các cơ quan, tổ chức cần chủ động nâng cao năng lực an toàn thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường đầu tư vào các sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam, đồng thời triển khai hiệu quả mô hình bảo đảm an toàn thông tin 4 lớp.

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là Lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin, do Cục An toàn thông tin phát triển. Nền tảng này không chỉ cung cấp kho tri thức chuyên sâu và số hóa quy trình diễn tập mà còn kết nối các chuyên gia để nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo vệ thông tin trên toàn quốc.

Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia và nhà quản lý đã tập trung thảo luận những chủ đề nổi bật liên quan đến bảo mật thiết bị UAV/drone, đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, và an toàn thông tin cho doanh nghiệp nhỏ cũng như hộ kinh doanh trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Các vấn đề về phòng, chống thất thoát dữ liệu, lừa đảo trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ AI tiên tiến, cùng việc nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin hướng tới xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cũng được chú trọng. 

Toàn cảnh Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024.

Nổi bật tại Triển lãm còn có các phiên hội thảo chuyên đề như “Ứng dụng AI trong bảo đảm an toàn thông tin,” “Bảo vệ dữ liệu phục vụ kinh tế số,” và “Hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” đã để lại dấu ấn với nhiều thông tin thiết thực và giải pháp cụ thể. Những nội dung này không chỉ cung cấp hướng đi rõ ràng mà còn mở ra cơ hội tăng cường hợp tác giữa các tổ chức trong nước và quốc tế.

Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 không chỉ là cơ hội để trao đổi chuyên môn mà còn mở ra triển vọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng. Sự kiện này đặt nền móng cho việc phát triển các giải pháp bảo mật tiên tiến, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia an toàn, bền vững.

Với những nội dung và hoạt động ý nghĩa, Hội thảo - Triển lãm năm nay đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam vươn lên trở thành một trong những quốc gia đi đầu về an toàn thông tin trong khu vực và trên thế giới.

Tin, ảnh: Phan Hoàn