Bản in
Điểm tin Khoa học và Công nghệ trong tuần từ 18- 22/4
Thông tin đáng chú ý trong tuần từ 18-22/4: Sáng chế tiết kiệm tiền tỷ cho nông dân, Nông dân xuất khẩu nông cụ, Phát hiện thêm một loài chuồn chuồn mới tại Việt Nam, 41 công trình đoạt giải “Sáng tạo khoa học công nghệ 2010”, Hợp tác nghiên cứu giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu…

Sáng chế tiết kiệm tiền tỷ cho nông dân. “Nếu nông dân cả nước sử dụng máy xay nguyên liệu phân hữu cơ vi sinh tự chế của tôi thì mỗi năm tiết kiệm không dưới 1.200 tỉ đồng”, anh Vũ Đình Phúc, 53 tuổi, chủ nhân sáng chế ra chiếc máy xay phế phẩm thành phân hữu cơ ở TP. Đà Lạt - Lâm Đồng, khẳng định chắc nịch.
 
Anh Phúc nảy ra sáng kiến sẽ làm một chiếc máy xay có thể biến tất cả những thứ phế phẩm rác thải, cọc lá mía, cỏ thành nguyên liệu của loại phân hữu cơ chất lượng cao. Từ đó, anh miệt mài lao vào nghiên cứu sáng chế, lắp ráp. Ban đầu anh làm máy nhỏ, chạy bằng dầu nhưng nghĩ nếu chạy bằng dầu, chi phí sẽ cao và gây ô nhiễm môi trường nên quay sang chế tạo máy chạy bằng điện và anh đã thành công. Nhờ sự kiên trì, không ngại khó, chiếc máy xay 10 mã lực do anh chế tạo chính thức đi vào hoạt động, mỗi ngày làm ra hơn chục tấn nguyên liệu làm phân hữu cơ từ các chất thải, phế phẩm nông nghiệp.

Hiện anh Phúc đã làm được 3 chiếc máy xay nguyên liệu phân từ phế phẩm, chất thải. Trong thời gian tới, anh sẽ tham gia cuộc thi Nhà sáng chế nông dân. (Theo  Kinh tế nông thôn 18/4).

Nông dân xuất khẩu nông cụ. Tác giả của những chiếc máy nông cụ là Nguyễn Hồng Chương, 36 tuổi, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).

Năm 2006, Chương bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy gieo hạt giống. Chỉ hơn 2 tháng mày mò, chiếc máy gieo hạt đầu tiên ra đời. Công suất một máy gieo hạt tương đương 8 lao động nên được các cơ sở ươm giống đặt hàng liên tục. Tiếp đó, năm 2008, Chương lại chế tạo thành công máy dồn đất vào vỉ xốp có thể thay thế cho 6-8 lao động.

Cuối năm 2010, sau nhiều tháng mày mò nghiên cứu, Chương cùng với 3 anh em trong gia đình (đều là nông dân) chế tạo thành công chiếc máy đóng đất vào chậu để trồng hoa. Máy đóng đất vào chậu có công suất 1.200 chậu/giờ. Một công ty sản xuất kinh doanh hoa (100% vốn nước ngoài) ở Đà Lạt đã đặt hàng cho Chương sản xuất máy này. Không dừng lại ở đó, tháng 3.2011, Chương lại tiếp tục cho ra lò chiếc máy đẩy vỉ xốp (dùng để lấy cây giống trong vỉ xốp đem ra trồng ngoài vườn) rất thiết thực với các nông hộ trồng rau, hoa.

Tính đến tháng 4.2011, xưởng cơ khí Hồng Chương đã xuất xưởng trên 250 máy móc các loại. Đầu tháng 4.2011, Hồng Chương xuất khẩu chiếc máy gieo hạt "Made in Lạc Lâm" đầu tiên sang Malaysia. Sau khi ứng dụng hiệu quả, phía đối tác đặt hàng thêm 10 chiếc máy gieo hạt. (Theo Kinh tế nông thôn 18/4).

Phát hiện thêm một loài chuồn chuồn mới tại Việt Nam. Ngày 19.4, tổ chức Bảo vệ Động vật hoang (WAR) công bố phát hiện thêm một loài chuồn chuồn mới cho Việt Nam, loài chuồn chuồn tràm (Aethriamanta aethra) tại vườn quốc gia U Minh Thượng.
Con đực và con cái loài này có màu sắc khác nhau, con đực trưởng thành có màu tím than xen kẽ với màu đen trong khi con cái có màu vàng rơm với các mảng đen mặt lưng các đốt bụng. Con đực chưa trưởng thành có màu vàng nhạt trước khi chuyển thành dạng tím than sẫm. Loài này được tìm thấy tại vùng đầm ngập nước của vườn quốc gia U Minh Thượng.
Được biết, trước đây chuồn chuồn tràm chỉ được ghi nhận ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia…(Theo SGTT 19/4).

41 công trình đoạt giải “Sáng tạo khoa học công nghệ 2010”. Ngày 19-4 tại Nhà hát lớn Hà Nội, giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ VN năm 2010 đã được trao cho 41 công trình xuất sắc nhất gồm ba giải nhất, chín giải nhì, 16 giải ba và 13 giải khuyến khích.
Dịp này, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đã tặng bốn giải thưởng cho các tập thể và cá nhân, gồm giải thưởng dành cho doanh nghiệp xuất sắc nhất trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất kinh doanh, công trình xuất sắc nhất, tác giả nữ xuất sắc nhất và tác giả trẻ xuất sắc nhất.
Công trình “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu ống nano cacbon” của GS.TS Phan Hồng Khôi cùng cộng sự thuộc Viện Khoa học vật liệu (Viện Khoa học và công nghệ VN) đã có cú đúp khi vừa là một trong ba công trình được trao giải nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ VN 2010, vừa được nhận giải thưởng công trình xuất sắc nhất của WIPO.(Theo Tuổi trẻ ngày 20/4).

Hội thảo Trytokc - Sản phẩm công nghệ cao từ trứng kiến gai đen. Ngày 21.4, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Liên hiệp Khoa học Công nghệ Hóa học và Môi trường - Hội Hóa học Việt Nam và Công ty cổ phần khoa học Công nghệ cao Việt Đức tổ chức hội thảo Trytokc - Sản phẩm công nghệ cao từ trứng kiến gai đen.

Trong kết quả nghiên cứu năm 2007 của các nhà khoa học Việt Nam và Viện Khoa học - Công nghệ sinh học Đức tìm ra hoạt chất Trytophan trong trứng của loài kiến đen. Sản phẩm này được sản xuất tại Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ cao Việt Đức, dựa trên dây chuyền hiện đại, sử dụng công nghệ chiết xuất và chuyển hoá protein bằng Enzyn, hoàn toàn giữ được các tinh chất quý có sẵn trong trứng kiến gai đen. Đây là một loại amino acid giúp cơ thể  giảm stress nhanh chóng, hỗ trợ thần kinh, tăng cường sinh lý, hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh về khớp, liệt dương, loãng tinh, các bệnh về gan, suy giảm trí nhớ, chống lão hoá, tăng cường thể lực... (Theo Đại biểu nhân dân 21/4)

Hợp tác nghiên cứu giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Khoa học - Công nghệ và Hội đồng Nghiên cứu sinh học và công nghệ sinh học của Vương quốc Anh (BBSRC) vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, trong đó trọng tâm là nghiên cứu cây lúa.

Dự án có mục tiêu ngắn hạn là chọn tạo các giống lúa kháng rầy nâu, đạo ôn, khô vằn, bạc lá, chịu ngập, chịu mặn. Về lâu dài, dự án sẽ giúp đối tác Việt Nam tiếp thu công nghệ, đào tạo cán bộ cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của các giống lúa bản địa để phục vụ cho nghiên cứu và chọn giống của cả nước. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam cho phép tiếp cận từng bước với các công cụ genome (hệ gene) học và tin sinh học, sử dụng cho chọn tạo giống cây trồng. (Theo HNM 22/4)

Vật liệu mới giúp giảm thiểu độc tố trong khói thuốc. PGS-TS Phạm Thanh Huyền cùng cộng sự thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu chế tạo thành công vật liệu hấp phụ BK-ZTL10 và BK-ZTL15 có kích thước nano để giảm thiểu độc tố trong khói thuốc lá.

Trên cơ sở hai loại vật liệu này, nhóm tác giả đã ứng dụng vào sản xuất thử nghiệm trên 100.000 điếu thuốc lá hiệu Hữu Nghị, cho thấy hàm lượng CO, nicotin và tar trong khói thuốc của mẫu có chứa vật liệu hấp phụ của đề tài giảm tương ứng là 31%; 19,8% và 21% so với mẫu đối chứng; với 100.000 điếu thuốc lá Bông Sen, tỷ lệ này là 13,2%, 46,9% và 39,6%. Kỹ thuật này mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng các vật liệu hấp phụ đa tính năng để sản xuất các sản phẩm thuốc lá an toàn hơn cho người sử dụng và cho cộng đồng. (Theo HNM 22/4)

Ngọc Anh