Bản in
Phát triển KH,CN&ĐMST vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Ưu tiên yếu tố con người và hạ tầng kỹ thuật
Việc xây dựng chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khơi thông tất cả nguồn lực, giải quyết những bài toán cụ thể cho địa phương là một trong những điểm mấu chốt để tăng cường hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB).

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, Bộ KH&CN xoay quanh vấn đề này.

- PV: Ông có thể đánh giá những tiềm năng, lợi thế cũng như hạn chế của vùng TDMNPB trong ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế - xã hội?

- Ông Chu Thúc Đạt: Vùng TDMNPB có diện tích lớn trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam. Điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, tạo nên một vùng sinh thái thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng của Vùng. Vùng thường xuyên được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, gần đây nhất Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng TDMN Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Có thể nói đây là những lợi thế quan trọng của vùng TDMNPB. 

Chính sự đa dạng về sinh học, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên là những tiềm năng, lợi thế, đồng thời tạo ra dư địa để ứng dụng, chuyển giao tiến bộ công nghệ phát triển KH,CN&ĐMST của Vùng.

Ngoài tiềm năng, lợi thế như trên, Vùng cũng còn khó khăn, thách thức. Địa hình chia cắt lớn, núi cao, hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá lạnh, sương muối... Bên cạnh đó, sự phân bố đa dạng của các dân tộc cũng ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ KH&CN để phát triển những ngành nghề mới, sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Từ những điều đó, chúng tôi cho rằng cần có những giải pháp để khai thác, phát triển các lợi thế cũng như tháo gỡ khó khăn cho Vùng trong thời gian tới.

 

Ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật.

PV: Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã có những hoạt động triển khai, ứng dụng KH&CN ở vùng TDMNPB như thế nào và đạt được kết quả ra sao, thưa ông? 

- Ông Chu Thúc Đạt: Thời gian qua, hoạt động KH,CN&ĐMST đặc biệt là hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN để thúc đẩy phát triển các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng đã được đẩy mạnh. 

Cụ thể, Bộ KH&CN đã triển khai một số chương trình, nhiệm vụ có tác động lớn đến Vùng, trong đó có thể đến như: 

Thứ nhất là Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”, trong đó có vùng TDMNPB. Chương trình này nhằm mục tiêu chuyển giao ứng dụng, tiếp nhận, làm chủ những quy trình công nghệ mới, công nghệ hiện đại cho phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong vòng 5 năm triển khai gần đây, chúng tôi đã chuyển giao cho Vùng khoảng gần 1.000 quy trình công nghệ mới và tập huấn đào tạo trên 5.000 lượt kỹ thuật viên cũng như người dân về các kiến thức KH&CN mới, tiến bộ kỹ thuật mới; đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ quy trình công nghệ.

Chương trình thứ hai đó là Chương trình bảo hộ và khai thác phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây cũng là chương trình tác động rất lớn đối với địa phương. Bên cạnh các chương trình phát triển về sản xuất, nâng cao sản lượng, năng suất, chất lượng thì bảo hộ phát triển thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ cũng được Bộ KH&CN quan tâm và triển khai cho Vùng.

Thứ ba là Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình này đã và đang tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất quản lý năng suất chất lượng trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam cũng như quốc tế để phát triển sản phẩm cho địa phương một cách bền vững.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã và đang triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Như chúng ta đã biết, ngoài những lĩnh vực truyền thống của Vùng, những năm qua các khu công nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn đã phát triển rất mạnh ở Vùng này để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại theo phát triển của đất nước như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ… 

 

Mô hình sản xuất chè Ô long tại Phú Thọ thuộc Chương trình nông thôn miền núi. 

- PV: Trong quá trình triển khai ứng dụng KH&CN ở khu vực đã gặp những khó khăn thách thức như thế nào và thời gian tới Bộ sẽ có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn này, thưa ông?

- Ông Chu Thúc Đạt: Thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Đảng, Nhà nước để có các giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST cho Vùng. Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn, tiềm năng lợi thế của Vùng, trong thời gian tới Bộ KH&CN tập trung xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ để làm thế nào khơi thông tất cả nguồn lực, không chỉ là ngân sách nhà nước mà quan trọng là huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để cùng tham gia, đầu tư phát triển công nghệ, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN. 

Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng và đặc biệt là tìm kiếm công nghệ mới, quy trình, máy móc thiết bị mới của thế giới cũng như trong nước, phù hợp với địa phương để giới thiệu, hỗ trợ địa bàn tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao làm chủ những công nghệ mới theo trình độ phát triển, cũng như đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong thời gian tới.

Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ về phát triển Vùng, quyết định của Thủ tướng về quy hoạch Vùng, chúng tôi cũng tập trung xây dựng tiềm lực về KH&CN, đặc biệt là yếu tố về con người, hạ tầng cơ sở nghiên cứu cũng như ứng dụng chuyển giao KH&CN, tiến bộ kỹ thuật giúp các địa phương nâng cao năng lực, tiếp nhận, làm chủ công nghệ, đóng góp ngày càng thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của toàn Vùng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tiến hành hướng dẫn các địa phương cũng như toàn ngành tổng kết đánh giá kết quả trong giai đoạn 2020-2025 để tập trung xây dựng văn kiện Đại hội định hướng cho phát triển giai đoạn 2025-2030 cho Vùng trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đã ban hành.

 

Diệu Huyền (thực hiện)