Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, cán bộ các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Vĩnh Phúc và cán bộ các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở KH&CN Vĩnh Phúc, cùng đại diện lãnh đạo 11 Sở KH&CN vùng Đồng bằng Sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ các bài học kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về KH&CN và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT). Đây là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý thể hiện sự nhiệt tình và ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp KH&CN của vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Trong những năm qua hoạt động KH&CN các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội, ổn định trật tự an toàn, nâng cao dân trí đời sống của nhân dân. Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN đã có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ và quản lý công nghệ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trong hoạt động ứng dụng tiến bộ KHKT đã tổ chức hoàn thành quy trình kĩ thuật phù hợp với thực tế ở từng địa phương và áp dụng các thành tựu KHKT vào sản xuất đời sống, đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội trong vùng. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHKT nổi bật của các tỉnh trong vùng về các lĩnh vực khoa học nghiên cứu và phát triển công nghệ được triển khai dưới nhiều hình thức như: thực hiện đề, dự án, nhiệm vụ KH&CN; các mô hình nhân rộng trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, KHKT và công nghệ, khoa học y dược, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.
Sự phối hợp nghiên cứu khoa học giữa các tỉnh, thành phố với các sở ban, ngành của địa phương và với các trường đại học, viện nghiên cứu ngày càng chặt chẽ. Nhiều tiến bộ KHKT đã được chuyển giao, góp phần quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong quản lý. Các tiến bộ KHKT được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận tiến bộ KHKT.
Bên cạnh kết quả đạt được trong những năm qua, hoạt động quản lý và công tác triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại các tỉnh vẫn còn những vấn đề cần quan tâm giải quyết như: công tác quản lý nhà nước hầu hết mới quản lý, đánh giá được hoạt động KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, một số hoạt động KH&CN từ các kênh khác còn bị bỏ ngỏ, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác KH&CN, việc xây dựng kế hoạch áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đời sống chưa kịp thời. Việc tuyên truyền phổ biến và xây dựng cơ chế chính sách để nhân rộng và phát huy các kết quả nghiên cứu KH&CN sau khi được nghiệm thu còn hạn chế. Nhiều kết quả mới dừng ở mô hình, chưa được nhân rộng trong sản xuất, chưa liên kết được giữa nhà khoa học - quản lý – doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc cho biết: Để công tác quản lý, ứng dụng tiến bộ KHKT trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao hơn thì vấn đề đặt ra là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước thúc đẩy việc sáng tạo và ứng dụng các tiến bộ KHKT vào đời sống, thúc đẩy xây dựng cơ chế chính sách để các doanh nghiệp tham gia KH&CN, quan tâm cải cách cơ chế quản lý nhà nước về KH&CN, đồng thời phải có sự đầu tư thoả đáng và nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí khoa học và đầu tư phát triển mọi mặt về KH&CN.
Mai Chi
|