Bản in
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Ưu tiên đầu tư cho khoa học
Viện khoa học Nông nghiệp (KHNN) Việt Nam luôn coi việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian qua, Viện đã nghiên cứu và sản xuất được nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế xã hội nói chung.

Nhiều kết quả đi vào cuộc sống
Trong 5 năm qua (2006 – 2010), Viện đã tiến hành nghiên cứu nhiều đề tài nông nghiệp trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi… Thông qua các đề tài, đã có 63 giống cây trồng của Viện được công nhận chính thức, trong đó có 16 giống lúa, 7 giống ngô, 5 giống đậu đỗ…107 giống được công nhận cho sản xuất thử. Nhiều giống lúa từ các kết quả nghiên cứu của Viện như: OM4900, OM4498, OMCS 2000,… đã được đưa vào sản xuất đại trà. Với 2,4 triệu ha, giống lúa mới cho năng suất tăng 10%, sản lượng tăng thêm 1,2 triệu tấn thóc/năm, làm lợi cho người dân khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng/năm.
Ngoài lúa, nhiều giống ngô mới được đưa vào sản xuất với năng suất cao, chất lượng tương đương với các giống do các công ty nước ngoài giới thiệu vào Việt Nam. Giống ngô của Việt Nam có khả năng cạnh tranh được với giống nước ngoài ở thị trường trong nước và đã xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như Lào, Trung Quốc. Hiện nay, mỗi năm Viện nghiên cứu ngô và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) Miền Nam sản xuất khoảng 4.000 tấn giống, đảm bảo cung cấp trên 60% nhu cầu giống ngô lai cả nước, với giá bán thấp hơn 1USD/kg, mỗi năm nông dân tiết kiệm được khoảng 4 triệu USD. Năng suất giống ngô tăng 5,2 tạ/ha đem lại lợi nhuận 500 tỷ đồng/ năm đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Viện KHNN Việt Nam còn là đơn vị chủ công trong việc nghiên cứu triển khai nhiều giống cây ăn quả và cây công nghiệp. Viện đã chọn tạo được nhiều giống cà phê vối mới như TR4, TR5, TR6,… năng suất bình quân đạt 4 – 6 tấn nhân/ha, kháng bệnh cao. Từ năm 2002 đến nay Viện đã cung cấp cho sản xuất trên 1,5 triệu cây giống ghép có chất lượng cao, đồng thời ghép cải tạo thay giống trên 40 ngàn ha cho những diện tích cà phê vối kém hiệu quả.

Tăng cường đầu tư
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện KHNN Việt Nam: trong những năm qua, Viện luôn xác định mục đích nghiên cứu trọng tâm là ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản phục vụ cho công tác chọn tạo giống, nhân giống và thâm canh giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học trong chuẩn đoán xét nghiệm các tác nhân gây bệnh hại cây trồng; sử dụng có hiệu quả phòng thí nghiệm trọng điểm trong nghiên cứu chuyên sâu và giải quyết vấn đề cấp bách nảy sinh trong sản xuất.
Đặc biệt, Viện luôn chú trọng đến những lĩnh vực mà thị trường cần và có hiệu quả kinh tế cao. Một trong những hướng đột phá để nâng cao năng suất sinh học và chất lượng nông sản là đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng ưu thế lai trong chọn, tạo giống, thực hiện bảo tồn thông qua phát triển các loài cây trồng, vật nuôi bản địa có năng suất chất lượng, đẩy mạnh nhập nội nguồn gen từ nước ngoài nhằm tạo ra nguồn vật liệu di truyền phong phú, nghiên cứu công nghệ tế bào nhân giống thực vật phục vụ phát triển ngành rau quả, mía đường…Một số nghiên cứu này đến nay đã cho ra nhiều “trái ngọt”. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu thành công và lập bản đồ phân tử các gen kháng bệnh như: gen kháng bạc lá, rầy nâu, đạo ôn ở lúa. Viện cũng đã làm chủ được các quy trình trong công nghệ chuyển gen và áp dụng thành công trên đối tượng bèo tấm, ngô, …
Ngoài ra, Viện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám và hệ thống thông tin địa lí (GIS) để nghiên cứu dự báo và phát hiện các dịch bệnh mới và đề xuất giải pháp xử lí kịp thời. Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc có nguồn gốc thảo mộc, phân bón hữu cơ vi sinh theo để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phối hợp nghiên cứu làm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Những kết quả trên thể hiện sự cố gắng hết sức của đội ngũ các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất. Nếu kết quả của những công trình nghiên cứu trên được đưa vào sản xuất trong thực tiễn thì chất lượng nông sản phục vụ cho xuất khẩu của nước ta sẽ ngày càng nâng cao góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển.
                                                                                                                                         

Hải Ngọc