Ngoài mục tiêu hiểu được thông số về tập tính ăn của cá, độ tiêu hóa biểu kiến của cá với nguyên liệu, nhu cầu tối ưu của cá đối với các chỉ tiêu dinh dưỡng, đề tài còn tập trung thiết kế và chế tạo một dây chuyền sản xuất thức ăn ở trong nước có năng suất là 300-500kg/giờ và thiết lập một quy trình công nghệ sản xuất thức ăn cho 2 loài cá chẽm và cá giò.
Sau 3 năm thực hiện (từ 1/3/2008-31/12/2010), đề tài đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đề ra, thiết lập được các công thức thức ăn cho cá chẽm, cá giò ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau, dựa trên kết quả nghiên cứu về xác định độ tiêu hoá biểu kiến, tỷ lệ tối ưu về protein và năng lượng; tỷ lệ tối ưu các axít béo thiết yếu; các chất bổ sung cần thiết.
Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, kết quả nghiên cứu trực tiếp cho thấy thức ăn do đề tài sản xuất có thể thay thế thức ăn thương mại đắt tiền cũng như nguồn cá tạp khi nuôi thương phẩm cá chẽm, cá giò. Nếu tính tổng sản lượng nuôi cá chẽm là 10.000 tấn/năm (khoảng 1000 ha ao nuôi) thì tổng số lãi là 86 tỷ đồng tương đương khoảng 4,4 triệu USD/năm, tổng số tiền lãi chênh lệch là 16 tỷ đồng so với cá nuôi dùng thức ăn cá tạp.
Với ý nghĩa khoa học của đề tài đem lại cũng như tính ứng dụng thực tế của đề tài, hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đồng thời kiến nghị trong thời gian tới tiếp tục triển khai dự án sản xuất thử nghiệm hai loại thức ăn nuôi các chẽm, cá giò để cung cấp cho người nuôi.
Diệu Huyền
|