Bản in
Chế tạo thử nghiệm thành công Pin mặt trời hữu cơ DSSC
Các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa công bố bước đầu chế tạo thành công Pin mặt trời hữu cơ Dye- Sensitized Solar (DSCC) có hiệu suất chuyển hóa năng lượng mặt trời đạt 2-5%.

Công trình nghiên cứu khoa học của GS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) được thực hiện trong 2 năm từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2010. Công trình tạo chất màu cấu trúc Nano cảm ứng ánh sáng ở bước sóng rộng 400 – 700 mm từ chất màu diệp lục lá cây biến tính theo công nghệ mô phỏng sinh học và chất màu tổng hợp, có khả năng truyền điện tích. Bên cạnh đó, công trình còn chế tạo thành công màng mỏng Nano chuyển dẫn điện tử trên cơ sở màng mỏng nano titan dioxit và titan dioxit kim loại có cấu trúc nano mao mỏng.

GS. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm đề tài cho biết, công trình đã thành công trong thử nghiệm bước đầu chế tạo Pin mặt trời DSSC mô phỏng sinh học bằng việc sử dụng mầu diệp lục Chlorophill trong lá cây rau muống làm chất màu nhạy sáng, tạo Pin mặt trời dạng DSSC có hiệu suất chuyển hóa năng lượng tốt và thời gian sống dài. Đặc biệt, điện cực bán dẫn cấu trúc Nano, TiO2, có khả năng nhận và truyền điện tử tốt. Lần đầu tiên trong công nghệ chế tạo Pin DSSC đã sử dụng màng lai TiO2/Qd. Với kết quả này đã nâng cao được hiệu suất chuyển hóa năng lượng mặt trời từ 3,57 lên 4,36, hệ số điền đầy tăng từ 58,3 lên 61,8.

Thành công bước đầu của GS.TS Nguyễn Đức Nghĩa và các đồng nghiệp Viện hóa học đã mở ra một hy vọng mới cho việc sử dụng năng lượng tái tạo thay thế dần những nguồn năng lượng đang dần cạn kiệt tại Việt Nam.

Hoàng Anh