TSKH. Võ Đại Lược – Chủ nhiệm Chương trình cho biết Chương trình gồm 23 đề tài, tập trung nghiên cứu những nội dung chủ yếu: thực trạng nền kinh tế Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010. Nhận diện bối cảnh trong nước, quốc tế và dự báo phát triển kinh tế của Việt Nam đến năm 2020; tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020 và xa hơn; thể chế kinh tế thị trường và định hướng XHCN của Việt Nam đến năm 2020; CNH- HĐH nền kinh tế Việt Nam; hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong số đó, có nhiều đề tài đã đưa ra những kiến nghị chính sách quan trọng gửi đến các cơ quan của Đảng và Chính phủ. Một số kiến nghị quan trọng như: khẳng định KH&CN là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Vì vậy, cần đổi mới toàn bộ cơ chế quản lý của các sở KH&CN công lập một cách thực chất; rút một lượng lớn lao động nông thôn khỏi nông nghiệp để tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, ngành nghề công nghiệp và kinh tế đô thị, ngành nghề kinh tế nông thôn, xuất khẩu lao động.
Thành lập Ủy ban công nghiệp quốc phòng do Thủ tướng làm chủ tịch, với đại diện là giới doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu phát triển, các lực lượng vũ trang. Xây dựng một số khu kinh tế quốc phòng trọng điểm…; đa dạng hóa các thành phần tham gia tổ hợp công nghiệp quốc phòng lấy kinh tế nhà nước làm nòng cốt;…
Cùng với đó, Chương trình cũng đã có báo cáo về 12 quan điểm phát triển kinh tế trên các mặt: cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu thành phần và thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, xây dựng các khu kinh tế tự do, hội nhập kinh tế quốc tế,…
Đồng thời, có kiến nghị xây dựng loại hình khu vực kinh tế tự do ở Việt Nam và các đô thị quốc tế ở trong nước với các thể chế vượt trội, làm động lực cho phát triển toàn bộ nền kinh tế; các vùng kinh tế trọng điểm cần có các thể chế riêng, thậm chí cho từng vùng để tạo điều kiện cho chúng vận động và phát triển không dựa vào các ưu đãi và có cơ quan điều phối hoạt động của các vùng kinh tế.
Xây dựng một đặc khu kinh tế tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trước tiên là khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng Bà Rịa – Vũng Tàu theo cơ chế khu thương mại tự do đã được áp dụng ở khu kinh tế mở Chu Lai và có thể nâng cấp cao hơn. TSKH. Võ Đại Lược cho rằng, tỉnh cần được hưởng cơ chế tỉnh mở cửa. Về lâu dài có thể xây dựng thành phố Vũng Tàu thành đô thị quốc tế. Xây dựng cấp chính quyền cảng thống nhất quản lý toàn bộ hoạt động của cảng.
Khẳng định tiềm năng to lớn của tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, các nhà khoa học đã đưa ra định hướng phát triển các vùng này theo hướng mở cửa hội nhập quốc tế, đặc biệt coi trọng việc mời các tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới tham gia quy hoạch những vùng này.
Chương trình cũng khẳng định Việt Nam đang có cơ hội thuận lợi hơn bao giờ hết để phát triển ngành dịch vụ. Để vượt qua “bức trần kính” công nghệ thấp và thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình thấp” trong quá trình CNH, HĐH, Chương trình đã đề xuất 9 nhóm giải pháp cơ bản để phát triển ngành dịch vụ đến năm 2020.
Chương trình cũng đã xuất bản được 22 cuốn sách, tổ chức gần 70 hội thảo khoa ọc và nhiều cuộc khảo sát trong và ngoài nước; có 4 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế và 3 bài tham luận tại 3 Hội nghị quốc tế. Gần 80% tổng số đề tài thuộc Chương trình tham gia đào tạo tiến sỹ, trong đó có 8 đề tài tham gia đào tạo cả thạc sỹ và tiến sỹ và đã đào tạo được 28 tiến sỹ, 12 thạc sỹ.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã thảo luận rất nhiều vấn đề như: cơ chế để đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, cơ chế tài chính và chế độ thưởng phạt trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu,… Cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc làm thế nào để đưa các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp cho các văn kiện, quyết sách của Nhà nước. Theo TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở những kết quả đã có của Chương trình, cần chọn lọc những kết quả tốt, những cái mới để tiếp tục nghiên cứu xa hơn nữa.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Tiến đánh giá cao những nỗ lực của các nhà khoa học để có được những kết quả rất đáng được ghi nhận. Thứ trưởng cho rằng, đây là buổi đánh giá kết quả hết sức thực tế. Đây cũng là chương trình có những kết quả đóng góp thiết thực phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XI, đặc biệt là phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cũng cho rằng cần xác định vấn đề trọng tâm trong quá trình nghiên cứu của các chương trình và làm thế nào để kết quả nghiên cứu đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Ngoài những Chương trình phải nghiên cứu trong thời gian dài, cũng cần phải có những cơ chế rất linh hoạt, trong một số trường hợp Ban Chủ nhiệm Chương trình có thể cùng với Bộ KH&CN quyết định ngay việc thực hiện các đề tài, tập hợp những nhà khoa học có uy tín làm luôn và kịp thời trong thời gian ngắn để có những kết quả trả lời cho đất nước những vấn đề quan trọng, cấp bách.
Nguyễn Hạnh
|