|
|||
Sáng kiến thiết thực Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng chủ trì. Cuộc thi tổ chức trao giải lần đầu đầu tiên vào năm 2016, đến nay việc tổ chức thường kỳ 2 năm 1 lần, “Sáng kiến vì cộng động” đã trải qua hành trình gần 10 năm thực hiện, góp phần đưa hàng chục sáng kiến đoạt giải từ chương trình được triển khai ứng dụng trên nhiều lĩnh vực trong thực tế. Được khởi động từ tháng 12/2020, ở cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV, mỗi sáng kiến, dự án tham dự đều xuất phát từ những vấn đề thực tiễn trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trong đời sống văn hóa - xã hội của đất nước, đưa ra được những giải pháp thông minh giúp giải quyết được vấn đề tồn tại, hướng tới đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Các sáng kiến tham gia bình chọn có sự trải rộng, đa dạng về lĩnh vực gồm giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, khoa học kỹ thuật và công nghệ, du lịch, xóa đói giảm nghèo, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới, từ thiện xã hội, nông nghiệp... Có nhiều sáng kiến đi từ ứng dụng thực tiễn thành công tại địa phương, đơn vị có thể được nhân rộng, lan tỏa trên phạm vi rộng lớn hơn như trong ngành, thậm chí trong cả nước. Tất cả các sáng kiến đoạt giải đều là những sáng kiến đang được ứng dụng thử nghiệm bước đầu cho những kết quả khả quan, hoặc đã được đưa vào ứng dụng vận hành hiệu quả trong thực tiễn. Trong đó, có những sáng kiến đã góp phần tạo ra những bước chuyển mang tính đột phá, vừa làm lợi cho tổ chức, tập thể, vừa giúp giải quyết vấn đề xã hội đang bức bách, đồng thời góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa, tinh thần tương thân tương ái, kiến tạo lối sống xanh vì môi trường trong cộng đồng như sáng kiến: Hệ sinh thái “Nuôi Em” và Xây dựng mạng xã hội thiện nguyện Việt Nam, hay sáng kiến “Phát triển hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng (Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel)... Hữu ích cho cộng đồng Ban Tổ chức cho biết, dự án Hệ sinh thái “Nuôi Em” bắt đầu được triển khai từ năm 2014, Dự án đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng đồng hành của đông đảo các tầng lớp xã hội, sự quan tâm của cộng đồng. Hệ sinh thái “Nuôi Em” là mô hình kết nối những mạnh thường quân hỗ trợ ăn trưa cho các bạn học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ ăn trưa 150.000 đồng/tháng.
Những số liệu về Hệ sinh thái “Nuôi Em” Từ 88 học sinh đầu tiên được nhận tiền hỗ trợ ăn trưa (150.000đồng/tháng – khoản tiền này được trực tiếp các mạnh thường quân đăng ký nhận mã Nuôi Em đóng góp), đến nay Dự án đã giúp 24.000.000 em học sinh tại các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum được tiếp nhận khoản hỗ trợ này. Trong quá trình vận hành Dự án, nhóm đã có sự sáng tạo đáng ghi nhận khi thực hiện phương thức chuyển nhượng mô hình cho các nhóm tình nguyện, từ thiện và các cá nhân có mong muốn lan tỏa. Bằng cách này, hiện Dự án đã được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn 15 tỉnh thành của cả nước. Số học sinh được nhận hỗ trợ ăn trưa từ Dự án là 40.000 cháu. Ngoài ra, Hệ sinh thái “Nuôi Em còn hỗ trợ thêm các em nhỏ trong Dự án được nước sạch, áo ấm, tủ sách, hình thành thêm dự án đồ chơi cũ, dự án bếp gas công nghiệp, dự án được dạy lắp năng lượng gió – mặt trời cho những điểm trường chưa có điện, dự án “Sức mạnh 2000” xây dựng các công trình ý nghĩa,... Tất cả các dự án trong Hệ sinh thái Nuôi Em đều giải quyết các vấn đề thực tế cấp thiết và nâng cao chất lượng giáo dục và tinh thần cho thầy cô, học sinh và bà con dân tộc thiểu số. Đặc biệt, mô hình “Nuôi Em” của dự án cũng đã được áp dụng ở 2 quốc gia khác là Campuchia và Kenya, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực với 350 trẻ em Việt tại Campuchia và 480 trẻ Kenya được nuôi cơm. Quy trình dự án “Hệ sinh thái Nuôi Em” được triển khai khoa học, minh bạch đã tạo ra sự kết nối chặt chẽ, giúp người nhận nuôi trên hành trình “Nuôi Em” có thể nắm bắt cụ thể từ thông tin đến hình ảnh của các bé được mình nhận nuôi. Hệ sinh thái Nuôi Em có thể được xem là một trong những chương trình thiện nguyện hướng tới trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa có phương thức hoạt động khác biệt giàu tính sáng tạo so với nhiều dự án cộng đồng khác cùng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống trong học tập và sinh hoạt cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đây thực sự là một chương trình thiện nguyện ý nghĩa thu hút sự quan tâm và và tạo được sự lan tỏa tương đối nhanh chóng, sâu rộng tới cộng đồng.
Anh Phạm Quốc Việt chia sẻ về hoạt động của Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel Với sáng kiến “Phát triển hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng” (Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel) ra đời năm 2019, xuất phát từ mong muốn hỗ trợ trực tiếp về sơ cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) trên đường; tổ chức các buổi chia sẻ (miễn phí) kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng; Hỗ trợ các hoạt động tình nguyện cho cộng đồng; liên kết với các tổ chức y tế đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho thành viên nhằm không ngừng hoàn thiện kỹ năng của các thành viên, tình nguyện viên. Anh Phạm Quốc Việt, người sáng lập FAS Angel cho biết, từ 5 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay số lượng thành viên của đội đã lên đến 150 người, hoạt động theo phương châm “Không bỏ rơi - Không thu phí - Không tranh cãi - Không phân biệt - Không kết án”. Có thể nói, sự ra đời của FAS Angel mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trung bình mỗi năm đội FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông có mức độ khác nhau. Hiện nay FAS Angel vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nạp và tìm kiếm được thêm nhiều sự đồng tâm từ những con người trong cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn, ai cũng có thể là người sơ cứu không phân biệt độ tuổi, ngành nghề.... FAS Angel đã lan tỏa tinh thần "tương thân tương ái" giữa người với người, bởi sơ cứu ban đầu là hành động thực tế cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh tầm quan trọng của sơ cứu ban đầu, truyền thông rộng rãi tới cộng đồng, cung cấp những lớp học, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng sơ cứu hiện trường miễn phí để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và học tập, giúp mọi người chuẩn bị tâm lý và sự sẵn sàng khi có một tai nạn xảy ra. Đánh giá về các dự án, TS. Lê Hải, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử cho biết, đây là những dự án thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa rộng, càng ngày càng nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Với dự án Hệ sinh thái “Nuôi em”, điều đặc biệt là dự án đã cho thấy tính minh bạch cao, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, trang web dự án được xây dựng chuyên nghiệp, có tương tác trực tiếp với các em nhỏ được nhận nuôi. Trong khi đó, dự án FAS Angel có tính cấp thiết, lan tỏa, khi không chỉ được phát triển ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh, thành phố khác, với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực, phương pháp tiến hành hiệu quả. Có thể nói rằng, thông qua các hoạt động của chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” sẽ góp phần thúc đẩy phong trào sáng tạo trong quần chúng nhân dân, tăng cường sự gắn kết giữa công tác nghiên cứu khoa học với ứng dụng thực tiễn, với sự tham gia đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, gia tăng hoạt động truyền thông lan tỏa những sáng kiến, giải pháp vì cộng đồng. Qua đó sẽ khích lệ tinh thần sáng tạo trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tầng lớp nhân dân. Hà Chi |