Bản in
Sản xuất 150 triệu tôm sú giống sạch bệnh bằng công nghệ tuần hoàn
Đó là kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tôm sú giống sạch bệnh” (mã số KC 06.06/06-10) do TS. Lê Thanh Lựu – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 làm chủ nhiệm được nghiệm thu cấp nhà nước ngày 5/4/2011, tại Hà Nội.

Tôm sú là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, được nuôi rộng rãi ở nước ta. Tuy vậy, hàng năm khoảng 15-25% diện tích nuôi tôm thương phẩm bị thiệt hại hoàn toàn do tôm bị bệnh, nguyên nhân chủ yếu là  tôm sú giống chất lượng kém, bị nhiễm bệnh ngay từ đầu. Nghiêm trọng hơn, trong 4-5 năm trở lại đây, khoảng trên 50% diện tích ao đầm nuôi tôm đã bị bỏ hoang hóa vì tình trạng dịch bệnh tràn lan ở các tỉnh miền Trung.

Với những lý do trên, việc tạo ra con giống tôm sú sạch bệnh, khỏe mạnh, tốc độc phát  triển nhanh cung cấp cho sản xuất để có thể giảm đáng kể các rủi ro dịch bệnh là một việc làm vô cùng cần thiết.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tôm sú giống sạch bệnh” được thực hiện với mục tiêu cụ thể là thông qua việc nắm bắt giải pháp công nghệ để tạo được tôm sú giống sạch bệnh, từ đó phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất được lượng lớn cung cấp cho nuôi thương phẩm.

Đề tài chứng minh thông qua việc nuôi vỗ tôm sú bố mẹ theo phương pháp an toàn sinh học (nuôi trong hệ tuần hoàn, thức ăn sạch, vận hành hệ thống an toàn) sẽ tạo ra được nguồn ấu trùng sạch bệnh. An toàn sinh học được hiểu là các giải pháp ngăn chặn các loại dịch bệnh do các tác nhân gây bệnh thâm nhập hoặc có sẵn ở các cơ sở nuôi. Đây là điểm then chốt của công nghệ tiên tiến và là nền tảng đảm bảo tôm bố mẹ, ấu trùng và hậu ấu trùng là tôm sạch bệnh.

Phương pháp này đã được đề tài áp dụng đối với các cơ sở nuôi tôm sú giống của nông dân ở Tiền Giang để triển khai thí nghiệm nuôi thương phẩm từ hai nhóm tôm (một nhóm có nguồn gốc từ Hawaii (được gọi là tôm sạch bệnh hoặc gia hóa) và nhóm tôm bố mẹ thu gom từ nguồn khai thác nội địa.

Qua một thời gian triển khai thực hiện và so sánh, đề tài bước đầu đã chứng minh được lợi thế của phương pháp an toàn sinh học trong sản xuất tôm giống; không nhiễm bệnh, tỷ lệ thụ tinh, nở của trứng cao hơn, lượng nitơ tổng số bằng hoặc thấp hơn hệ thống sản xuất truyền thống, hậu ấu trùng tôm sú không bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó công nghệ tuần hoàn đã giảm thiểu đáng kể từ 85-90% đối với khả năng gây ô nhiễm môi trường do nước thải ra.

Tin, ảnh: Diệu Huyền