|
|||
Công nghệ tài chính (Fintech) đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam. Các công ty Fintech kết hợp với các định chế tài chính truyền thống và các công ty công nghệ, đã và đang tạo ra một thị trường về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo phục vụ nền kinh tế số hiện nay. Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày những góc nhìn khác nhau về sự tiến hóa của dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Phó Bí thư Đảng ủy Bộ KH&CN Phạm Gia Chương và Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Bùi Huy Nhượng tặng hoa các diễn giả.
TS. Lương Thái Bảo - Trưởng Ban điều hành Chương trình Cử nhân Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân với bài trình bày “Fintech phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Cơ hội và thách thức” đã làm rõ bức tranh về doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cơ hội cũng như thách thức của fintech đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông, cơ hội của fintech đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều hơn thách thức. Bà Trương Hồng Liên - Giám đốc tư vấn Chiến lược và Chuyển đổi số, E&Y Consulting Vietnam với bài trình bày “Fintech, Định chế tài chính truyền thống và Dịch vụ tài chính số - Thực tiễn thị trường Việt Nam” cho thấy thực tiễn về các định chế tài chính truyền thống tại Việt Nam qua việc phát triển các dịch vụ tài chính số (sản phẩm của hoạt động fintech), rào cản từ phía cung (ngân hàng) và cầu (doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Tham luận “Mô hình dịch vụ bảo hiểm B2B2C dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam” của ông Lê Tuấn Minh - Giám đốc điều hành, Limi Insurtech cho thấy khả năng phát hiện khoảng trống nhu cầu từ thị trường và cách phát triển và hoàn thiện một dịch vụ fintech mới thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại. Tham luận “Ứng dụng phân tích dữ liệu tài chính trong việc thúc đẩy Thương mại Quốc tế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam” của ông Nguyễn Hữu Hiệu - Giám đốc Hoạt động, FiinGroup cho thấy thực tiễn và tiềm năng của các dịch vụ tài chính thuộc mảng hạ tầng của hệ thống tài chính (thông tin và phân tích)
Các diễn giả và đại biểu tham dự đã cùng thảo luận về tương lai của Fintech trong sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; làm rõ các cơ hội và thách thức trong việc tạo môi trường cho các doanh nghiệp fintech và các bên liên quan để cung cấp sản phẩm/dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo nói riêng và dịch vụ tài chính số nói chung; giải đáp các vấn đề về Cuộc thi Finnovation 2022;… Theo đó, dư địa lớn từ nhu cầu đối với các sản phẩm tài chính công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chính sẽ là cơ sở cho các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính trong tương lai. Cuộc thi Finnvation 2020 chính là “Sanbox” để các ý tưởng này có thể trở thành hiện thực thông qua việc các thí sinh sẽ được tiếp cận những kiến thức nền tảng bài bản và chuẩn mực về Fintech, tài chính, công nghệ số đồng thời được chia sẻ và truyền cảm hứng về những câu chuyện khởi nghiệp thực tiễn trong lĩnh vực fintech và kinh tế số.
Finnovation là cuộc thi định kỳ, cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính dành cho sinh viên, được chỉ đạo bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM, tổ chức bởi Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam; Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Đoàn Thanh niên ĐHQG Hà Nội, Ban cán sự Đoàn ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Cuộc thi mang sứ mệnh nâng cao nhận thức xã hội về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ tài chính và chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp trong nước lớn mạnh và hướng ra quốc tế.
Tin, ảnh: Linh Chi
|