Bản in
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu tại Lai Châu
Chiều ngày 28/8, hội thảo Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo techfest tại Lai Châu với chủ đề ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu…Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho rằng, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp là xu thế tất yếu.

Nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, dược liệu

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 8 điểm cầu trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Ông Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Dược liệu, Trường Đại học Tây Bắc, Sở Khoa học và Công nghệ của một số tỉnh trong cả nước…

Về phía tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Hiệp hội Sâm Lai Châu, Hội Nông sản Lai Châu; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, các đối tác, nhà đầu tư, chủ thể OCOP…

Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 638.000ha đất nông nghiệp. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 4,23%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225.000 tấn; chè búp tươi 44.000 tấn; cây ăn quả các loại 54.000 tấn.

Lai Châu đã ban hành các Nghị quyết về phát triển rừng bền vững và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Do đó Lai Châu rất chú trọng đến việc chuyển đổi số nông nghiệp để có thể áp dụng vào sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói… cũng như công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, xử lý môi trường trong sản xuất…

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Lai Châu đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao, ban hành các chính sách hỗ trợ. Đến nay, đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến trong nông nghiệp áp dụng khoa học và công nghệ. Tiêu biểu như sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, tiết kiệm đối với các loại rau, chè, nấm đông trùng hạ thảo; áp dụng chế biến chè công nghệ tiên tiến; truy xuất nguồn gốc sản phầm nông nghiệp, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng mã số, mã vạch.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải khẳng định: Tỉnh Lai Châu có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: mắc ca, chè, quế, lúa, cây ăn quả, rau màu và cây dược liệu… Trong những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thông qua Hội thảo “Ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu”, ông Hà Trọng Hải bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự có cách nhìn tổng thể về việc ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển nông nghiệp của một số quốc gia trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Từ đó, trao đổi, chia sẻ, đề xuất giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nền nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Các đơn vị ký kết

Lai Châu cần những chính sách cụ thể hơn cho ngành nông nghiệp

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng, Lai Châu cần tiếp tục có những chính sách cụ thể hơn nữa gắn với du lịch cộng đồng, kinh tế nông nghiệp. Những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, dược liệu cần được kết nối thông tin, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương. Các huyện, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác triệt để những doanh nghiệp, đối tác để tìm đầu ra sản phẩm. Cục và các đơn vị sẽ luôn đồng hành với các huyện, doanh nghiệp và tỉnh về ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan như: "Chuyển đổi số trong Nông nghiệp - Câu chuyện từ thực tế từ làng nông nghiệp thông minh MEVI ECO SYSTEM (Là nền tảng công nghệ thông minh phát triển nông nghiệp đô thị)"; kinh nghiệm trong xử lý môi trường, xử lý ô nhiễm đất, nước, xử lý rác thải thành các chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường. 

Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ đa kênh trong quản lý sản xuất và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong Bảo quản và chế biến Nông Lâm sản; kinh nghiệm nghiên cứu theo chuỗi giá trị gia tăng cho sản xuất dược liệu - Bài học phát triển sản phẩm từ cây Đương quy"; Kinh nghiệm về hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; kinh nghiệm về sử dụng vi sinh trong trồng cây ăn quả…

Bà Nguyễn Thị Thu – Trưởng làng nông nghiệp thông minh cho biết: những năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Nông sản không xuất khẩu được, sự giao thương giữa các địa bàn bị chững lại. Thách thức đặt ra trong bối cảnh đó là tìm lời giải cho bài toán thiết kế mô hình kinh doanh thích ứng trong thời kỳ Covid. Chính vì vậy, công ty cổ phần hỗ trợ Sáng kiến kinh doanh Tạo tác động MEVI đã ra đời và chọn hướng đi vào việc xây dựng hệ sinh thái doanh nhân nữ nông thôn nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp an toàn.

Tại hội thảo, Đại diện Trường Đại học Tây Bắc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp khẳng định, để phát triển nông nghiệp, dược liệu ở các tỉnh Tây Bắc cần nâng cao năng lực cho người lao động và cán bộ quản lý vùng; đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế trong vùng và liên vùng; ứng dụng công nghệ thông tin cần lưu ý đến tính đặc thù của từng vùng, địa phương cho phù hợp...

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học cũng gợi ý nhiều công nghệ mới, trong đó nhấn mạnh các công nghệ ứng dụng vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và chế biến.

ThS Nguyễn Mạnh Hiểu, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch dẫn thực tế tại tỉnh Sơn La khi đưa công nghệ ứng dụng chế biến và bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông sản chủ lực giúp tăng giá trị lên nhiều lần. Trong đó có công nghệ xử lý chín quả bằng khí ethylene, dành cho các loại quả có đặc tính chín sau thu hoạch như chuối, bơ, xoài... Hệ thống thiết bị tạo khí ethylene từ cồn ethanol 95%, cho chất lượng chín đồng đều, có thể ứng dụng với quy mô 5-100 tấn nguyên liệu trong một chu kỳ xử lý từ 2-3 ngày.

Về giải pháp công nghệ sấy, các phương pháp như sấy lạnh bằng bơm nhiệt, công nghệ sấy thăng hoa và chiên chân không liên tục giúp bảo quản rau quả, thủy sản với quá trình giám sát tự động. Với dược liệu, các công nghệ như trích ly hỗ trợ sóng siêu âm được đưa vào ứng dụng, như chế biến trà linh chi túi lọc, cao linh chi...

Đặc biệt, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Uyên, hợp tác xã nuôi ong, cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo tại huyện Nậm Nhùn, thành phố Lai Châu cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới được tỉnh cũng như các nhà khoa học, công nghệ, doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tiếp cận nhiều hơn công nghệ, khoa học trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể như hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ trong tự động hóa mô hình nuôi cấy giống đông trùng hạ thảo; liên kết sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường sản phẩm nông sản đặc trưng tại đơn vị, địa phương.

Dịp này, một số doanh nghiệp, hợp tác xã của Lai Châu đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với một số tập đoàn, công ty, nhà đầu tư tham dự hội thảo.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ "Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 tại Lai Châu" - Techfest Lai Châu 2022. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND tỉnh Lai Châu tổ chức trong hai ngày (28-29/8) với kỳ vọng kiến tạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại địa phương, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bài, ảnh: Đăng Minh