Bản in
Hướng nghiệp các ngành STEM: Khi đại học và doanh nghiệp mở rộng cửa
Không còn những tiết học hướng nghiệp lý thuyết suông nhàm chán trong bốn bức tường, giờ đây các em học sinh đã có cơ hội trải nghiệm những hoạt động khoa học lý thú trong chính ngôi trường đại học mơ ước, để từ đó có động lực nuôi dưỡng đam mê và sẵn sàng cho con đường các em mong muốn theo đuổi trong tương lai.

Trong phòng thí nghiệm thuộc Khoa Công nghệ sinh học - Hóa học - Kỹ thuật Môi trường (Đại học Phenikaa), các em học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) đang lọ mọ thực hiện các thí nghiệm khử chất độc hại dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Thật kỳ lạ khi không khí trong căn phòng vô cùng nghiêm túc, các em học sinh dường như đang thao tác như những nhà khoa học trẻ thực thụ.

Hoạt động này là một phần trong dự án hướng nghiệp dài hơi do ĐH Phenikaa và Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới (EduLightenUp) đồng tổ chức. Và không riêng dự án này, các trường cao đẳng, đại học trên khắp đất nước đang đồng loạt triển khai nhiều hoạt động giáo dục STEM với mong muốn hỗ trợ học sinh tìm ra đam mê, sở thích của mình.

Hình dung về “thế giới” đại học mới mẻ

“Trường đại học có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp, đam mê cho các em học sinh THPT”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng (Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định trong bài trình bày của mình tại hội thảo trong khuôn khổ “Ngày hội STEM 2022 - Vượt lên biến động” diễn ra cuối tuần trước.

Đã qua rồi cái thời học sinh khối 12 phải ‘chịu đựng’ những tiết học hướng nghiệp tẻ nhạt. Những buổi học này thường không mấy hữu ích bởi nó được tổ chức trong khoảng thời gian các em sắp sửa bước vào giai đoạn đăng ký nguyện vọng thi - đã xác định được khối thi của mình - và chỉ cung cấp các thông tin cơ bản thuần lý thuyết về một số ngành nghề. Theo PGS. Thắng, cần thay đổi cách thức hướng nghiệp, trường đại học nên là đơn vị cùng tham gia hỗ trợ nhà trường phổ thông, giúp các em học sinh có cơ hội được ‘tận mục sở thị’ môi trường đại học từ khi còn học lớp 10, 11. Điều này rất cần thiết, nó không chỉ giúp hình thành đam mê, truyền cảm hứng cho học sinh để các em có động lực học tập, sớm vạch ra lộ trình cho mình, mà còn giúp các em sẵn sàng về tâm lý bởi giữa bậc phổ thông và đại học có một độ vênh rất lớn về môi trường, phương pháp học tập.

Vì lẽ đó, từ năm 2018, ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức tổ chức “tour trải nghiệm” dành cho các em học sinh THPT trên khắp cả nước. Đều đặn mỗi cuối tuần, học sinh sẽ đến trường và được giới thiệu về các chương trình đào tạo, tham quan và tham gia thực hành, thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm của các viện đào tạo và trung tâm nghiên cứu. Kế đó, học sinh sẽ giao lưu với các thầy cô, anh chị sinh viên, trao đổi về định hướng nghề nghiệp, những khó khăn thách thức sẽ gặp trong quãng đời sinh viên. Mỗi buổi trải nghiệm tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như buổi đầu tiên giới thiệu các lĩnh vực Điện, Điện tử - Viễn thông, Công nghệ thông tin, Toán tin ứng dụng; buổi thứ hai giới thiệu lĩnh vực Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật In v.v. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, trường vẫn cố gắng tổ chức các buổi trải nghiệm trực tuyến.

Ngay trong khuôn viên của mình, từ năm 2017, ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng một Trung tâm FabLab Bách khoa – Tạ Quang Bửu trực thuộc Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu. Chia sẻ tại hội thảo, cô giáo Nguyễn Bích Huyền cho biết, để “giúp các em tìm hiểu thế giới nghề nghiệp, sẵn sàng cho công việc trong tương lai”, ngay từ lớp 6, các em đã được làm quen với giáo dục STEM thông qua dự án, chủ đề, học qua trò chơi và đặc biệt là qua thực hành. Khi tham gia các tiết học STEM và các hoạt động của Trung tâm FabLab Bách khoa – Tạ Quang Bửu, học sinh được hướng dẫn sử dụng các thiết bị (máy in 3D, máy cắt laser, máy hàn, máy khoan…); học kỹ năng lập trình (Scratch, Python…), những kiến thức cơ bản về điện tử, tự động hóa (smart home, robot…)… cũng như được thực hành tại các phòng thí nghiệm của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đáng chú ý, năm 2019, Trung tâm FabLab đã tổ chức sự kiện “Chat với Nhà khoa học”, một dự án khoa học kết nối trực tuyến thuộc khuôn khổ Chương trình Khoa học Trường học do Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp thực hiện. Qua trò chuyện với 5 nhà khoa học về những chủ đề khác nhau, các em học sinh Trường Tạ Quang Bửu phần nào hình dung ra công việc của một nhà khoa học vật lý, hóa học, sinh học.

Ở đầu bên kia đất nước, TS. Nguyễn Thị Thu Trang (Khoa Hoá học, Đại học Sư phạm TP.HCM) cùng các đồng nghiệp của mình Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đang tích cực khởi động lại các kế hoạch sau quãng thời gian bị gián đoạn do dịch bệnh. Trung tâm phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố để tổ chức cho học sinh tham quan phòng thí nghiệm ở Khoa Vật lý, Khoa Hóa học. Các em sẽ được trao đổi với sinh viên và giảng viên để có cái nhìn gần gũi hơn về môi trường đại học - nơi trong hình dung của các em thường là thế giới của người lớn với những giảng đường và giáo sư đeo cặp kính mắt dày cộm.

Từ 6 năm trước, những hoạt động tương tự đã được ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) triển khai. Trong Ngày hội HUS OPEN DAYS 2016, trường đã ‘mở cánh cổng’ cho học sinh phổ thông tham quan giảng đường, phòng thí nghiệm, Bảo tàng Sinh học, Bảo tàng Địa chất, theo dõi những thí nghiệm khoa học... Kể từ đó trở đi, trường vẫn thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ cho học sinh các trường tại những tỉnh, thành khác nhau.

Dẫu những hoạt động hướng nghiệp kết nối học sinh THPT đã được các trường đại học chú trọng trong những năm gần đây, nhưng đối với PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, “sự kết nối này hiện tại chưa được như mong muốn”, ít nhất là với ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông mong muốn các trường không chỉ dừng ở hoạt động tổ chức tham quan trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, mà còn xây dựng các phòng thí nghiệm hỗn hợp dành cho học sinh THPT và sinh viên năm nhất, năm hai; hình thành các nhóm nghiên cứu dưới sự đồng hướng dẫn của các giảng viên và giáo viên; thành lập các phòng thí nghiệm STEM cho học sinh, các CLB hỗn hợp giữa học sinh và sinh viên. Trước mắt, bản thân ĐH Bách khoa Hà Nội dự định “tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn cho giáo viên phổ thông muốn chuyển đổi sang phương pháp giảng dạy STEM; cũng như hỗ trợ các nhóm chuyên đề phổ thông xây dựng các fablab mẫu”, ông cho biết.

Gõ cửa doanh nghiệp

Sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử (ĐH Phenikaa) giới thiệu sản phẩm Xe tự hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho học sinh khối 12 đam mê công nghệ của Trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định). Ảnh: Website trường THPT Mỹ Lộc

Dự án hướng nghiệp do ĐH Phenikaa và EduLightenUp đồng tổ chức lại bổ sung một tiếp cận khác: kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia vào các hoạt động STEM hướng nghiệp cho học sinh vì họ chính là nơi sử dụng nguồn nhân lực này trong tương lai. Tháng 11/2021, ĐH Phenikaa đã chính thức khởi động Dự án “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả”, cho phép học sinh đề xuất đề tài và trình bày trước hội đồng chuyên môn gồm các giảng viên và đại diện doanh nghiệp do ĐH Phenikaa mời. Những dự án được đánh giá có tính khả thi sẽ được hỗ trợ phòng thí nghiệm, một phần chi phí nguyên vật liệu thí nghiệm và bố trị cán bộ hướng dẫn thí nghiệm với từng đề tài cụ thể. Hiện tại, dự án đã chọn ra được 8 đề tài thuộc 8 trường, từ “Nghiên cứu xử lý một số kim loại nặng trong nước thải công nghiệp sử dụng than hoạt tính và xỉ lò” (Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội), “Ứng dụng sản xuất thực phẩm chức năng từ chất pectin có trong hạt bưởi” (Trường THPT Ban Mai, Hà Nội), “Hệ thống khử khuẩn và giám sát nhiệt độ phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại trường học” (Trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định), cho đến “Thiết kế, chế tạo, thử nghiệm máy lọc khói thuốc lá” (Trường THPT Gang Thép Thái Nguyên) v.v.

Bên cạnh đó, dự án thường xuyên tổ chức seminar, workshop tại các trường THPT với sự tham gia của các diễn giả từ doanh nghiệp. “Chúng tôi mời các chuyên gia tập đoàn Qualcomm, Panasonic và Phenikaa-X đến chia sẻ với các thầy cô và học sinh về công nghệ mới trên thế giới và những giải pháp phát triển sản phẩm ứng dụng. Điều này giúp các em nhận ra rằng một số mối quan tâm của các em cũng là hướng đi mà các tập đoàn đang hướng đến, các em sẽ cảm thấy tự tin và nhận ra rằng những đề tài mà mình ấp ủ tuy quy mô còn nhỏ nhưng nó đã có hơi hướm tinh thần doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh (Phó Hiệu trưởng ĐH Phenikaa), người trực tiếp tham gia dự án, mô tả. “Đại diện Qualcomm và Panasonic chia sẻ với chúng tôi rằng các em học sinh lúc đầu khá rụt rè, nhưng sau các buổi workshop, tham quan các trung tâm sáng tạo, phòng thí nghiệm của trường đại học và nhà máy thì các em càng tự tin trình bày sản phẩm của mình. Đó chính là điều mà chúng tôi hướng đến.”

Một chương trình khác - Samsung Innovation Campus - do Tập đoàn Samsung triển khai cũng cho phép các em học sinh Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu được dự các khóa học lập trình, IoT, AI, tham quan/trải nghiệm thực tế tại khu công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn. Mặc dù vậy, còn hết sức hiếm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực STEM, sẵn lòng tham gia công cuộc hướng nghiệp cho học sinh THPT - theo PGS Nguyễn Phú Khánh.

Trước những hạn chế đó, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng đề xuất, “cần tạo dựng một mạng lưới để các trường đại học, trường THPT có thể gắn kết, hợp tác với nhau hiệu quả hơn”.

Chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cũng trùng hợp với điều mà PGS.TS Nguyễn Phú Khánh mong muốn. Giai đoạn 1 của dự án “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả” sắp kết thúc, ông hy vọng các chuyên gia sẽ hoàn tất mô hình lẫn quy trình hướng dẫn để có thể nhân rộng dự án cho 25 trường phổ thông, 5 trường đại học trên toàn quốc trong giai đoạn 2. “Hiện tại, mới chỉ có ĐH Phenikaa tham gia vào dự án với vai trò là trường đại học. Hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo thêm nhiều tác động và kêu gọi được nhiều trường đại học, doanh nghiệp cùng tham gia với chúng tôi hơn”, ông kết luận.