Mục tiêu của đề tài nhằm đề xuất được các giải pháp bố trí không gian và kết cấu cho các loại hình công trình chỉnh trị sông; nghiên cứu ứng dụng được các phương pháp dự báo định lượng về hiệu quả của các công trình chỉnh trị sông.
Sau ba năm thực hiện, đề tài đã nghiên cứu ứng dụng mô hình MIKE 21/3 coupled Model FM của Viện thủy lực Đan Mạch trong tính toán diễn biến lòng sông dưới tác dụng tổng hợp của hệ thống công trình chỉnh trị. Ngoài ra, được sự hợp tác tích cực của các giáo sư và chuyên gia từ Đại học Tổng hợp Kyoto, đề tài đã cải tiến được mô hình 3D của HOSADA về tính toán xói cục bộ khu vực mỏ hàn vốn chỉ ứng dụng cho trường hợp bùn cát đáy và không ngập, nay có xét đến chuyển động của bùn cát lơ lửng và mỏ hàn ngập, là điều kiện thích hợp cho các sông ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ nước ta…
Đề tài đã ứng dụng mô hình vật lý thí nghiệm các đoạn cong liên hoàn, kỹ thuật ghi hình tạo vệt lưu hướng, chế tạo bùn cát mô hình từ mạt cưa, từ đó đã xây dựng được các công thức, biểu đồ để tính toán hiệu quả kỹ thuật bồi tụ sau công trình đảo chiều hoàn lưu, làm cơ sở cho việc chuyển giao công nghệ loại công trình này vào phục vụ sản xuất. Đề tài cũng đã đề xuất 9 giải pháp công trình chỉnh trị mới, trong đó đáng chú ý là các giải pháp công trình thân thiện môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, tạo cảnh quan, không gian kiến trúc.
Đề tài đã thực hiện được 98 chuyên đề và 14 sản phẩm khoa học và công nghệ. Trong đó sản phẩm công nghệ tính toán thiết kế, bố trí không gian hệ thống công trình hoàn lưu chống sạt lở bờ, ổn định lòng dẫn đã được cấp Bằng sáng chế độc quyền số 8518, ngày 8 tháng 6 năm 2010.
Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá rất cao về kết quả và những sản phẩm của đề tài, nhất trí nghiệm thu và xếp đề tài đạt loại Xuất sắc.
Tin, ảnh: Phương Nga
|