Bản in
Hiệp hội Blockchain Việt Nam chính thức ra mắt
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) chính thức ra mắt. Đây là tổ chức pháp nhân chính thức đầu tiên liên quan đến lĩnh vực công nghệ blockchain tại Việt Nam.

Theo Quyết định số 343/QĐ-BNV được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 27/04/2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam được phép thành lập, trở thành tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên quy tụ những người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tại buổi Lễ ra mắt, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ, với tiềm năng to lớn của công nghệ blockchain, số doanh nghiệp, nhà khoa học, kỹ sư theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu kết nối, chia sẻ và hỗ trợ ngày càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, việc ra đời của Hiệp hội là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.

Thứ trưởng thường trực Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Thứ trưởng thường trực Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng mong muốn Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng phối hợp, hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan khác trong xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp với Hiệp hội trong các hoạt động của Hiệp hội; đồng thời rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý của ngành khoa học và công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam. Bộ cũng sẽ xem xét, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain. Thứ trưởng cho biết hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ  đang triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0", mã số KC-4.0/19-25, trong đó blockchain là một trong những công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 được chương trình này ưu tiên.

Theo GS.TS Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Hiệp hội cam kết góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tham mưu tư vấn xây dựng các hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain. Trong thời gian tới, Hiệp hội rất mong nhận được sự tham gia và đóng góp xây dựng nhiệt tình của các cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam nhằm xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh hơn nữa cả về chất và lượng.

Trước đó, ngày 16/5/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ I, đánh dấu sự thành lập tổ chức có tính pháp nhân duy nhất giữa cộng đồng Blockchain Việt Nam với các cơ quan, ban ngành Nhà nước. Tổ chức này sẽ xây dựng khung pháp lý cho ngành công nghệ Blockchain Việt Nam hướng tới mục tiêu quốc gia kỹ thuật số - kinh tế số. Đồng thời, Hiệp hội sẽ là nơi hội tụ của những người quan tâm đến nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, chuẩn hóa và khuyến khích ứng dụng công nghệ blockchain ở Việt Nam.

Nhiệm vụ chính của Hiệp hội bao gồm: mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng blockchain trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, triển khai, kinh doanh công nghệ blockchain theo quy định của pháp luật Việt Nam; thu hút đầu tư cho hoạt động của ngành blockchain, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số. Trong đó, trọng tâm là chuỗi chương trình hành động ứng dụng blockchain với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số, sớm đưa Việt Nam ngang tầm quốc tế về kinh tế số và sẽ bắt đầu từ chương trình hành động thiết thực: Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ blockchain trong mọi mặt đời sống kinh tế.

Ra đời đúng dịp kỷ niệm 8 năm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2022), Hiệp hội Blockchain Việt Nam được kỳ vọng là bước tiến tiếp theo của ngành Khoa học và Công nghệ trong nước, góp phần tích cực vào sự tăng tốc của nền kinh tế số, từ đó tạo ra nhiều thành tựu hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Tin, ảnh: Trần Hà