Bản in
Khơi nguồn sáng tạo trong doanh nghiệp, nhà khoa học trẻ
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là cuộc cạnh tranh về khoa học công nghệ trên toàn thế giới, việc thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp rất cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đổi mới sáng tạo là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để thúc đẩy nâng cao năng suất, đón đầu công nghệ mới giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. 

Khuyến khích nhà khoa học trẻ sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh tại hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit) mới diễn ra: Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện nay cần phải "bứt phá" thông qua khoa học công nghệ. Để thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ, cần chuẩn bị nguồn lực từ sớm, đào tạo từ các trường trung học phổ thông. Đặc biệt, đối với các trường đại học, cần kết nối với sinh viên cũ đã học nước ngoài, tìm cách thu hút người tài cũng như xây dựng những cơ chế, chính sách để họ về làm việc, sáng tạo. Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện cho các sinh viên nghiên cứu, có nhiều chương trình cho giảng viên trẻ, tạo sự cạnh tranh, thay đổi môi trường học bởi đa phần người làm thạc sĩ, tiến sĩ giỏi đều ra nước ngoài học.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia - Nafosted (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng có nhiều thay đổi để các nhà khoa học trẻ tự tin tham gia đề tài bởi trước đây, các nhà khoa học phải lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm mới được làm chủ nhiệm đề tài. Hiện nay, đã có nhiều hội đồng là các tiến sĩ trẻ, tạo cho nhà khoa học trẻ tự tin, mạnh dạn trải nghiệm. Những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài bằng cơ chế Quỹ Nafosted, qua đó, các nhà khoa học trẻ có cơ hội khuyến khích sáng tạo, được hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, so với thế hệ đi trước, các nhà khoa học trẻ có nhiều thuận lợi hơn, có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ, phương pháp hiện đại… nên nhiều người mới ngoài 30 tuổi đã có học hàm tiến sĩ, là nghiên cứu viên, giảng viên chính, thậm chí nghiên cứu viên cao cấp, đạt được một số thành tựu khoa học có ý nghĩa thiết thực. Bên cạnh đó, các tài năng trẻ còn được thừa hưởng thành quả khoa học tiên tiến của thế giới; công trình của họ được công bố, quốc tế công nhận.

Ông Ðỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted chia sẻ, đến nay Quỹ đã tài trợ cho khoảng 3.000 đề tài nghiên cứu, với sự tham gia của hơn 15.000 lượt nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Số đề tài có chủ nhiệm là nhà khoa học trẻ không quá 40 tuổi chiếm từ 55-65% số đề tài nghiên cứu cơ bản. Tỷ trọng nhà khoa học trẻ được hỗ trợ lớn, đóng góp quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tương lai. Quỹ thực hiện quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện, thúc đẩy các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ tăng cường hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế, thực hiện các nghiên cứu khoa học với chất lượng chuyên môn cao, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là nỗ lực rất lớn và Việt Nam được đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới khi thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì và phát triển tốt đã khẳng định việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo.

Không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhận thấy, một thực tế là nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0. Thực tế, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ 4.0 như in 3-D, robot còn rất ít, đây là vấn đề đáng "báo động" trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã phân tích các rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới sáng tạo khi phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 20% hoạt động xuất khẩu còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ "tinh vi" về kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực, nâng cao uy tín của doanh nghiệp nhưng lại không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo nên doanh nghiệp phải nhận định đúng và chọn mô hình để phát triển. 

Đổi mới sáng tạo vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt, khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong trong các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển bền vững, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết: Rạng Đông đã chú trọng đầu tư vào khoa học và công nghệ, liên kết với các trường đại học lớn và xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu về công nghệ ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số để hướng tới các sản phẩm có thiết kế Việt Nam, sản xuất trên dây chuyền Việt Nam và kinh doanh trên nền tảng của Việt Nam nhưng vẫn mang lại giá trị gia tăng cao, đáp ứng đủ điều kiện chất lượng để xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi việc thay đổi từ nhận thức, thói quen để thay đổi chiến lược, mô hình kinh doanh, cơ chế điều hành...

Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia về việc không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp, ông Nguyễn Đoàn Kết cho rằng mỗi doanh nghiệp phải nhận định và tìm bước đi phù hợp với năng lực, nguồn lực, trình độ thực tế của doanh nghiệp mình. Đối với Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông gặp thách thức là doanh nghiệp thiếu thông tin để xác định bước đi, lộ trình phát triển bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thách thức về máy móc, thiết bị khi trải qua quá trình 60 năm hình thành và phát triển có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước, từ nhiều thời điểm khác nhau nên trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp công nghệ để tạo nên những kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ, máy móc.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp, do đó việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo là mô hình tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, khích lệ được sự đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, trong từng cá nhân và từng nhóm, lĩnh vực sản xuất. Trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), các nền kinh tế thành viên đã thảo luận và nghiên cứu các giải pháp để "đi tắt đón đầu" thông minh bằng đổi mới sáng tạo, cải cách mô hình quản lý, đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới. Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước cho thấy, Việt Nam phải đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói riêng để phát triển bền vững.