Bản in
Ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám giám sát sâu bệnh chính hại lúa
Sáng 26/3, tại Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước do TS. Nguyễn Xuân Lâm làm Chủ tịch đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám vào việc giám sát tình hình, cảnh báo và dự báo về một số loại sâu bệnh chính hại lúa, phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng” mã số KC08.32/06-10 do TSKH. Nguyễn Đăng Vỹ (Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi) làm chủ nhiệm đề tài.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng hệ thống thông tin GIS-viễn thám nâng cao khả năng giám sát tình hình các loại sâu bệnh hại lúa chính là sâu đục thân, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ; xây dựng module phần mềm xác định hàm quan hệ giữa quá trình phát triển của sâu đục thân và các yếu tố có liên quan; xây dựng hệ chuyên gia dự báo ngắn hạn về sâu đục thân; tích hợp hệ thống GIS-viễn thám với trang WebGIS của Cục Bảo vệ Thực vật để đưa thông tin về phân bố sâu bệnh, kết quả dự báo và các biện pháp phòng trừ lên mạng Internet.
Với thời gian thực hiện một năm (từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2010), những vấn đề cơ bản nhất của khoa học và công nghệ mà đề tài đã nghiên cứu và giải quyết là: Tìm hiểu, nghiên cứu, so sánh các công nghệ nền thuộc dòng phần mềm mã nguồn mở thuộc các lĩnh vực quản trị dữ liệu thuộc tính, quản trị dữ liệu bản đồ, xử lý dữ liệu bản đồ và phân phát bản đồ trên mạng Internet, đưa ra lựa chọn tối ưu tổ hợp các sản phẩm đó để  xây dựng hệ thống GIS-viễn thám giám sát tình hình dịch hại lúa; nghiên cứu sử dụng ảnh viễn thám quang học và ảnh radar phổ biến ở nước ta để theo dõi, đánh giá mức độ thiệt hại của các ruộng lúa do rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân gây ra, đánh giá tính khả thi của việc ứng dụng tư liệu viễn thám vào công tác theo dõi tình hình dịch hại lúa trong điều kiện nước ta; xây dựng được thư viện lập trình giao tiếp qua mạng với PostGIS thông qua giao diện lập trình socket trên ngôn ngữ C++, trên cơ sở đó xây dựng phần mềm – công cụ cho các chuyên gia viễn thám sử dụng để cập nhật kết quả giải đoán ảnh viễn thám vào hệ thống GIS-viễn thám.
Đề tài cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm của mối quan hệ giữa sự phát sinh, phát triển của sâu đục thân lúa bướm hai chấm với các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, thời gian chiếu sáng, đặc điểm sinh thái của địa phương, giống lúa, giai đoạn sinh trưởng của lúa...
Bên cạnh đó đề tài cũng đã tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm của bài toán dự báo ngắn hạn về dịch hại lúa và kinh nghiệm dự báo về sâu đục thân lúa bướm hai chấm của các chuyên gia bảo vệ thực vật, tìm hiểu về công nghệ hệ chuyên gia, các mô hình biểu diễn tri thức trong các hệ chuyên gia, lựa chọn mô hình biểu diễn tri thức phù hợp để xây dựng hệ chuyên gia dự báo ngắn hạn về sâu đục thân lúa bướm hai chấm. Đề tài đã đề xuất giải pháp tối ưu xây dựng bản đồ phân bố diện tích lúa bị nhiễm theo quy định của ngành bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm thời gian thực thi trên Web. 
Sản phẩm chính của đề tài - Hệ thống GIS-viễn thám được tích hợp với hệ thống WebGIS quản lý thông tin về rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ - sản phẩm của gói thầu số 9 "Xây dựng phần mềm truy cập hệ thống thông tin địa lý" của Cục Bảo vệ Thực vật năm 2008 thành một hệ thống Web GIS-viễn thám thống nhất, được triển khai trên máy chủ của Cục Bảo vệ Thực vật và ứng dụng cho Chi Cục Bảo vệ Thực vật Hải Phòng từ  giữa  năm  2009, đào tạo ứng dụng cho Chi Cục Bảo vệ Thực vật Thanh Hoá vào ngày 23-24/3/2011.
Với những kết quả đề tài đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất nghiệm thu đề tài đạt loại Khá.

Tin, ảnh: Phương Nga