Bản in
"Kim chỉ nam" giúp doanh nghiệp quản lý đổi mới sáng tạo trong CMCN 4.0
Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo theo Tiêu chuẩn ISO 56002:2019 được nhiều doanh nghiệp đánh giá là "kim chỉ nam" hữu ích để thúc đẩy đổi mới và tinh thần sáng tạo, tăng giá trị cho doanh nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đã mang đến sự thay đổi nhanh chóng môi trường sản xuất, kinh doanh, toàn cầu hóa và tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.

Trong môi trường nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức này, khả năng đổi mới sáng tạo trở thành một yếu tố quan trọng và cần thiết cho sự thành công của tất cả các doanh nghiệp. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp xác định chiến lược phát triển không chỉ là sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm dựa trên kinh nghiệm mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo các mô hình toàn cầu để liên tục tạo ra những giá trị cao hơn.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật ISO TC279 đã nghiên cứu và đưa ra bộ tài liệu hướng dẫn mới về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management Systems - IMS).

Đây được coi là công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp toàn cầu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) xác định tầm nhìn, chiến lược, chính sách và mục tiêu đổi mới sáng tạo của mình, đồng thời thiết lập các quá trình hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp đạt được kết quả mong muốn.

Năm 2021, nhóm thực hiện dự án của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) với sự hỗ trợ của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã xây dựng nội dung phổ biến Tiêu chuẩn ISO 56002:2019 để các doanh nghiệp Việt nắm được nguyên tắc chung khi xây dựng, phát triển khả năng đổi mới theo chuẩn mực chung và được thừa nhận quốc tế. Tiêu chuẩn này đã được đông đảo doanh nghiệp trong nước đón nhận và đánh giá cao.