|
|||
Đây là ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước đối với Công trình: “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng vừa được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cuốn Tự điển chữ Nôm dẫn giải của tác giả Nguyễn Quang Hồng là một bước tiến vượt bậc về nghiên cứu, giảng giải chữ Nôm, góp phần làm sáng rõ sức sáng tạo, tinh thần tự chủ của dân tộc Việt Nam. Từ 124 tác phẩm cổ, văn bản cổ khác nhau thuộc nhiều thời kỳ, nhiều lĩnh vực, nhiều loại hình, tác giả đã cấu trúc thành mục từ, giải nghĩa và quan trọng hơn là chú thích, chỉ ra được xuất xứ của mỗi chữ Nôm bằng các ví dụ minh họa sinh động, có xuất xứ rõ ràng. Tự điển được cấu trúc có tính hệ thống, khoa học theo hai cột: một cột xác định hình chữ, âm độc và kí mã của chữ, cột thứ hai có phần phân tích cấu trúc chữ Nôm, giải nghĩa chữ kèm theo văn cảnh cụ thể. Chú trọng tới các biến thể chữ Nôm, một mục từ có thể có một hoặc nhiều chữ Nôm với các cách viết khác nhau được ghi rõ từ các nguồn văn bản cụ thể. Đây là một điểm nhấn quan trọng của cuỗn tự điển này. Với tư cách là công cụ tra cứu, cuốn tự điển sắp xếp theo bảng chữ cái tiếng Việt. Vì thế, người sử dụng có thể tra cứu được các chữ Nôm cũng như các biến thể của chúng. Khi gặp những chữ lạ, người đọc có thể tìm tra ở Bảng tra chữ Nôm theo bộ thủ và tìm đến trang có âm độc được ghi nhận cho chữ đó. Đây là một công trình đặc biệt xuất sắc, bởi tính uyên thâm về chữ nghĩa với những phát hiện tinh tế về tính tượng hình và tượng thanh, sự kết hợp giữa tính biểu âm với tính biểu ý của văn tự chữ Nôm. Những phát hiện nay không chỉ giúp cho việc “giải mã” kho tàng các văn bản viết bằng chữ Nôm của cha ông ta đang cần khai thác mà còn góp phần vào nhận thức về ngôn ngữ văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của lịch sử, định hướng cho những nghiên cứu tiếp theo về ngôn ngữ văn hóa Việt Nam. Công trình được coi là một chuẩn mực về tư liệu, phương pháp và nội dung nghiên cứu khoa học, là tài liệu tham khảo không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học, trong đào tạo về văn tự học, ngôn ngữ văn hóa Việt Nam trong và ngoài nước. PV
|