Bản in
Thơ Việt Nam hiện đại
Cụm công trình “Thơ Việt Nam hiện đại” của GS.TS. Lê Văn Lân bao gồm những tổng kết mang tính lí luận và những kiến giải mới về rất nhiều hiện tượng (tác giả, tác phẩm, trào lưu) quan trọng của thơ trữ tình Việt Nam hiện đại và đương đại.

Cụm công trình được tạo nên bởi bốn công trình: Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam; Thơ hình thành và tiếp nhận; Văn học Việt Nam – Vấn đề, tác giả; Những cấu trúc của thơ. Đây là bốn công trình vừa có tính độc lập vừa có giá trị liên kết về mặt tri thức, phương pháp luận, lý thuyết trong một tổng thể với đối tượng là thơ Việt Nam hiện đại (được hình dung là từ khởi đầu thế kỷ 20 đến những năm đầu thế kỷ 21). Cụm công trình “Thơ Việt Nam hiện đại” là kết quả quá trình nghiên cứu, giảng dạy liên tục 43 năm của tác giả, thể hiện sự tìm tòi, đổi mới trong nghiên cứu thơ ca. 

Với phương pháp thực chứng ngữ nghĩa cùng một số phương pháp tiếp cận hiện đại từ cấu trúc luận, thi pháp học, địa văn hóa, văn hóa học, ngôn ngữ học,…. Cụm công trình đã nêu lên quan niệm về thơ, sự vận động thể loại, các thể thơ, dạng thơ, những cấu trúc, đặc trưng thẩm mỹ của thơ, đồng thời đưa ra cái nhìn hệ thống, đánh giá khái quát và luận bài chuyên sâu về tiến trình, đặc điểm, các hiện tượng tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại. Cụm công trình đã vận dụng những cách tiếp cận mới, không chỉ đóng góp quan trọng và việc nghiên cứu thơ nói chung và nghiên cứu thơ Việt Nam hiện đại nói riêng mà còn góp phần quảng bá sáng tác của những nhà thơ Việt Nam ra nước ngoài, giúp thế giới hiểu hơn đất nước và con người Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, cụm công trình là một học liệu cơ bản và quan trọng được sử dụng trong giảng dạy văn học Việt Nam thế kỷ 20 và thơ Việt Nam thế kỷ 20. Cụm công trình đã cung cấp công cụ lí thuyết và định hướng lí luận cho nhiều luận văn, luận án, nhiều công trình nghiên cứu ở nhiều quy mô khác nhau về thơ và văn học Việt Nam thế kỷ 20. Đây là một trong số những công trình có tỷ lệ trích dẫn/tham khảo rất cao trong lĩnh vực nghiên cứu thơ và văn học Việt Nam hiện đại và đương đại. Có thể nói, về tri thức, cụm công trình góp một phần quan trọng kiến tạo nên hệ thống tri thức mang tính nền tảng, đặc sắc, độc đáo của Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Cụm công trình đã tiếp nhận thành công nhiều khuynh hướng lí thuyết hiện đại (thi pháp học, ký hiệu học, chủ nghĩa cấu trúc cho đến phân tâm học, lí thuyết tiếp nhận)… góp phần xác lập một hệ thống lí thuyết về thơ trữ tình với những khái niệm quan trọng về bản chất của thơ trữ tình, những cấu trúc nội tại của thơ trữ tình, các thể loại cơ bản của thơ trữ tình ở Việt Nam, góp một phần quan trọng nâng mặt bằng tri thức về thơ trong nghiên cứu, sáng tác và tiếp nhận thơ trữ tình ở Việt Nam lên một bước mới.

GS.TS. Lộc Phương Thủy đánh giá, Cụm công trình thể hiện một cách tiếp cận khoa học, cởi mở, thể hiện tính hệ thống chặt chẽ, đồng thời bổ sung nhiều tri thức mới. Cụm công trình có những đóng góp lớn về mặt học thuật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến văn học Việt Nam nói chung, thơ Việt Nam hiện đại nói riêng. Cụm công trình có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội, được sử dụng làm tài liệu tham khảo cần thiết cho nhiều đối tượng trong xã hội, từ các nhà nghiên cứu văn hóa văn học, các giảng viên chuyên ngành văn hóa, văn học Việt Nam, các nhà văn nhà thơ, lực lượng sáng tác đến đông đảo các sinh viên, học viên Cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành văn hóa, văn học Việt Nam nhiều thế hệ.

Cụm công trình có giá trị cao về mặt khoa học và công nghệ, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Với những đặc sắc trên mà Cụm công trình đã có tác động trong đời sống học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Cụm công trình được xuất bản tại các nhà xuất bản có uy tín, được dùng giảng dạy tại nhiều trường đại học trong nước, Đại học Paris 7 (Pháp); các tư tưởng khoa học được vận dụng hướng dẫn thành công 11 luận án Tiến sĩ, được giới sáng tác đón nhận tích cực và có những tác động trong việc mang đến những tri thức mới và kinh nghiệm mới cho những người làm thơ ở Việt Nam.

Đây là một trong số những Công trình/Cụm công trình được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực Văn học.

Tin: Trần Hà