|
|||
Đây là kết quả của cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận" do TS. Nguyễn Quỳnh Lâm và 25 đồng tác giả thực hiện vừa được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6 đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước. Cụm công trình là kết quả nghiên cứu sáng tạo trong ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ trong điều kiện đặc thù tại thềm lục địa Việt Nam, đã mang lại những thành tựu đặc biệt xuất sắc, cụ thể là từ việc đốt bỏ toàn bộ khí đồng hành trong giai đoạn khai thác đầu tiên như thiết kết ban đầu, đến nay đã thu gom và tận dụng đến 95% lượng khí đồng hành, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Cụm công trình cũng đã đặt nền móng và là cơ sở đầu tiên để Việt Nam xây dựng và phát triển được ngành công nghiệp Khí – Điện – Đạm hoàn chỉnh như hiện nay. Thành công của công trình bắt đầu từ năm đầu tiên của thập niên 90. Khi đó, Liên doanh Vietsovpetro mới khai thác được dầu tại Bạch Hổ, nhưng công nghệ thời đó chỉ khai thác dầu, còn khí đồng hành phải đốt bỏ. Trong khi đó, đất nước đang thiếu điện trầm trọng để phát triển kinh tế. Thực tế đó đã thôi thúc các cán bộ, kỹ sư của Vietsovpetro nghiên cứu và thực hiện thu gom khí, vận chuyển, chế biến đưa khí đồng hành vào bờ để phát điện, sản xuất phân đạm. Kết quả năm 1995, sau khai thác dầu, bằng những giải pháp khoa học và công nghệ đột phá, trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, Vietsovpetro lại tiên phong đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ, tạo nên bước nhảy vọt của ngành Dầu khí Việt Nam, tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp khí hiện đại. Bên cạnh đó, công trình đã sáng tạo ra giải pháp làm khô khí để đưa vào bờ không cần thiết bị làm lạnh; lần đầu tiên áp dụng thành công máy nén khí piston để nâng công suất vận chuyển đến 3-5 triệu m3 khí, làm tiền đề để triển khai công nghệ khai thác dầu bằng gaslift; nghiên cứu sử dụng khí đồng hành để khai thác dầu bằng gaslift mang lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện mở Bạch Hổ. Hình thành quy trình sử dụng khí để sản xuất điện thay thế dầu tại ngoài khơi, đảm bảo cho Vietsovpetro vận hành ở mọi điều kiện thời tiết biển. TS. Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng giám đốc Vietsovpetro cho biết: Thu gom và vận chuyển khí đồng hành của Vietsovpetro đã mang lại ý nghĩa sâu sắc cho nền kinh tế Việt Nam, thay thế nguồn nguyên liệu dầu DO truyền thống cho các nhà máy nhiệt điện, là tiền đề tạo ra các sản phẩm mới cho đất nước như: Đạm, khí hóa lỏng, nguyên liệu cho các nhà máy hóa dầu, là cơ sở ban đầu cho sự phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đô thị hóa phục vụ dân sinh, làm thay đổi nguyên liệu của nhiều ngành nghề tiểu thủ công, đem lại công ăn việc làm cho các tầng lớp xã hội, tăng thu nhập cho người dân. PV
|