|
|||
Chiều 15/12, trong khuôn khổ Triển lãm – Hội chợ trên không gian mạng (VIDEX 2021), Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến thương mại Quân đội, Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo - Toạ đàm “Kinh tế quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số”. Nỗ lực thay đổi và thích ứng Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng là quan điểm cơ bản, chủ trương chiến lược nhất quán xuyên suốt của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) – cuộc cách mạng đột phá chưa từng có trong lịch sử tạo ra những khả năng hoàn toàn mới làm thay đổi hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đối với lĩnh vực quân sự quốc phòng, CMCN 4.0 đang và sẽ có những tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các bước phát triển thách thức lớn hơn. Nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được đưa vào ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được cuộc CMCN 4.0 cũng tác động mạnh mẽ và tạo ra những thách thức không nhỏ đến lĩnh vực kinh tế quốc phòng. Vì vậy tận dụng những điểm tích cực hạn chế những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 và xác định rõ vấn đề đặt ra đối với kinh tế quốc phòng Việt Nam là hết sức cần thiết.
Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết, CMCN 4.0 ở nước ta với quá trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong điều kiện cả nước đã và đang phải chủ động chuyển mình để thích ứng nhanh với diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Dịch COVID-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và làm ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động của đời sống xã hội buộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Trong điều kiện các cơ quan, đoan vị, doanh nghiệp vừa đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới, vừa góp phần phục hồi kinh tế đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả bệnh dịch COVID-19. Hội thảo – Tọa đàm được tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp trên hành trình của kỷ nguyên công nghệ số nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa cho các đơn vị, doanh nghiệp để từng bước làm chủ công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0 và tăng cường cơ hội hợp tác, mở rộng kết nối giao thương, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Đây cũng là diễn đàn để các đơn vị, doanh nghiệp đã và đang tiên phong trong chuyển đổi số chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được và những thách thức trong quá trình ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác và đầu tư. Tham dự Hội thảo các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm cơ hội hợp tác, tư vấn những giải pháp, công nghệ, sản phẩm mới nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng nền tảng công nghệ số là xu hướng tất yếu trong cuộc CMCN 4.0 bởi sẽ tạo cơ hội kinh doanh mới nâng cao lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp. Nhằm phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã trình bày tham luận với chủ đề “Giải pháp công nghệ số phục vụ quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19”. Ông Phan Đức Hiếu cho biết có nhiều cách hiểu khác nhau về chuyển đổi số. Theo “Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam” (2021), chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ sối để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi số toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp. Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ hiện đại hơn để tạo ra sản phẩm chưa hẳn đã là chuyển đổi số, mà chuyển đổi số phải là việc ứng dụng công nghệ (digitalization) vào hoạt động của doanh nghiệp để thay đổi toàn diện cách thức hoạt động (transformation) nhằm tối ưu hóa, tăng năng suất và giá trị cho khách hàng. Và sự thay đổi này được định nghĩa là vĩnh viễn, thay đổi không chỉ đòi hỏi công nghệ mà còn quản trị thay đổi. Trong chuyển đổi số người lãnh đạo, quản lý có vai trò quan trọng, quyết định.
Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng Chung quan điểm này, Ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng chuyển đổi số của Tập đoàn Viettel. Ông nhấn mạnh, chuyển đổi số là hành trình không có điểm kết thúc. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp phải xuất phát từ người đứng đầu chứ không đơn thuần là công việc của bộ phận kỹ thuật. Cùng với đó, Chính phủ, doanh nghiệp cũng cần ưu tiên ngân sách cho hoạt động này. Nhận thức đúng về quyền SHTT để tận dụng lợi thế Trong những năm gần đây chuyển đổi số và kinh tế tri thức là một nội dung thu hút sự quan tâm. Theo đó, SHTT ở góc độ pháp lý và văn hóa ứng xử chung cần được đưa vào triển khai ứng dụng trong thực tế để SHTT thực sự là chìa khóa khơi thông hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo gắn kết thương mại kinh doanh nền tảng số nói riêng. Quyền SHTT là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận. Việc tận dụng tốt nguồn lực trí tuệ trẻ để đào tạo bài bản trong và ngoài nước sẽ giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ, chuyển đổi trên thế giới, đặc biệt là sử dụng SHTT như một công cụ chiến lược để khơi thông năng lực nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số quốc gia luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Tại Hội thảo, TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã có tham luận về “Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển đổi số”. TS. Trần Lê Hồng cho biết, một đất nước khi đặt vấn đề SHTT trở thành một vấn đề lớn trong chính sách kinh doanh, trong quan hệ đối ngoại thì đó là một đất nước đã phát triển, dùng KH&CN làm đòn bẩy, công cụ, lực lượng sản xuất để phát triển. Nhưng nếu như một đất nước mà trong tất cả các quan hệ mà không đề cập đến vấn đề gì SHTT thì đó không phải là đất nước phát triển ổn định và bền vững. Hiện nay, vấn đề SHTT rất quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền SHTT trong hoạt động kinh doanh. TS. Trần Lê Hồng đã nêu vấn đề khi chuyển đổi số là một xu hướng không thể đảo ngược thì mối quan hệ với quyền SHTT như thế nào? Khi đó quyền SHTT là một yếu tố có tính chất hỗ trợ, cản trở hay là một yếu tố tác động tích cực đối với cả nền kinh tế và đối với doanh nghiệp. Khi chưa tạo ra quyền SHTT, chúng ta nghĩ rằng quyền SHTT là một yếu tổ cản trở vì cần phải bỏ ra kinh phí để sử dụng được nó, nếu không bỏ kinh phí thì sử dụng sao chép bất hợp pháp (đây là yếu tố không còn được chấp nhận trong nền kinh tế) nên buộc phải xác định nó là yếu tố hỗ trợ hay cản trở phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, hành động trong vấn đề tạo ra nó.
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ tại Hội thảo “Chuyển đổi số không chỉ là số hóa và ứng dụng số hóa bởi số hóa chỉ là vấn đề nhỏ trong vấn đề chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải thấy được sự thay đổi lớn trong bản thân của hoạt động kinh doanh số, vận hành số của cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc vận hành doanh nghiệp phải tính đến yếu tố về đổi mới, nhanh chóng, công nghệ để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Đó chính là các yếu tố dựa trên nền tảng của chuyển đổi số”, TS. Trần Lê Hồng chia sẻ. TS. Trần Lê Hồng đưa ra ví dụ về chi phí của các công nghệ tiên tiến đang giảm mạnh. Công nghệ rẻ hơn và tốt hơn đang tạo ra một thế giới kết nối hơn: Ngày nay có 8 tỷ thiết bị được kết nối với internet; đến năm 2030 dự báo là 1 nghỉn tỷ. Như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp nhận thấy rằng đằng sau con số này không chỉ là những thiết bị mà là cả một hệ thống, nền tảng công nghệ mới mà doanh nghiệp cần tiếp cận. Cần thấy được sự gắn bó giữa công nghệ với kinh doanh sẽ là yếu tố gắn kết giữa quyền SHTT, bởi công nghệ sẽ là vấn đề về SHTT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự đổi mới kỹ thuật số hiện đang phá vỡ các mô hình hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp nhưng các công nghệ số (di động, đám mây, cảm biến, phân tích, IoT, AI...) có thể biến ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp từ không thể thành có thể (xe tự lái, ứng dụng kỹ thuật thực tế ảo...). “Tất cả công nghệ đều dựa trên nền tảng quyền SHTT, nếu không có quyền SHTT, không làm chủ các công nghệ này, không có được nó, chúng ta luôn là người đi sau. Yếu tố công nghệ tác động đến việc kinh doanh mạnh mẽ, quyết định đến yếu tố quan trọng nhất là lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp là phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận thông qua việc sáng tạo, bảo hộ và sử dụng tài sản trí tuệ. Quyền SHTT như là công cụ để xây dựng hoạt động kinh doanh chứ không phải chỉ là việc tạo ra được các quyền SHTT như là mục đích cuối cùng của doanh nghiệp”, TS. Trần Lê Hồng cho hay. Ông cũng đã đưa ra ví dụ về việc Michelin đã tận dụng IoT để chuyển từ kinh doanh lốp xe sang bán kết quả (lời hứa hiệu suất được hỗ trợ bởi đảm bảo hoàn tiền). EFFIFUELTM là một hệ sinh thái toàn diện bao gồm viễn thông tinh vi, đào tạo về kỹ thuật điều hòa sinh thái và hệ thống quản lý lốp xe được tối ưu hóa EFFITIRESTM. Dịch vụ này có thể giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu 2,5 lít cho mỗi 100km lái xe, tương đương với việc giảm ít nhất 2,1% tổng chi phí sở hữu cho các nhà khai thác đội xe tải. TS. Trần Lê Hồng cho rằng, sự thay đổi mô hình kinh doanh dưới hình thức chuyển đổi số, gắn với dịch vụ sẽ tạo nên hiệu quả tốt cho các doanh nghiệp. Hành lang pháp lý về SHTT ngày nay đang dựa trên cơ hội của quá khứ. Hiện tại, số hóa đang thay đổi những cơ hội này và hành lang pháp lý cũng sẽ tự động thay dổi. Doanh nghiệp nên nhận thức được điều này để sẵn sàng và tận dụng được những lợi thế mà nó đem lại. Tại Hội thảo – Tọa đàm các đại biểu cũng đã nhận được những thông tin chia sẻ, thảo luận về: Cơ hội và thách thức trong việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; ứng dụng chuyển đổi số tại một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Booboo Airway. Những thông tin hữu ích từ Hội thảo – Tọa đàm đã giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp bổ sung thêm kiến thức, áp dụng mô hình, kinh nghiệm phù hợp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đem lại hiệu quả, thiết thực hơn cho các đơn vị, doanh nghiệp trong thời gian tới. Bài, ảnh: Bảo Chi |