Bản in
Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên thế giới và Việt Nam
Sự phồn thịnh của một quốc gia phụ thuộc vào sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp. Chân lý này đã được minh chứng qua thực tế phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, việc chính phủ của các nước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mang ý nghĩa sống còn và tiên quyết.

Tại Singapore, Chính phủ tiến hành đầu tư vào các công ty nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước này bằng cách tạo ra không gian startup để hình thành mạng lưới và trao đổi ý tưởng. Hơn nữa, các chương trình khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như các vườn ươm, lồng ấp khởi nghiệp cũng được đặc biệt chú trọng thông qua các hoạt động cố vấn, đào tạo và giáo dục. Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng việc đa dạng hóa mô hình nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Mô hình nôi khởi nghiệp giúp các start-up nhanh chóng phát triển bằng cách tận dụng nhân lực chất lượng cao, kết hợp với các mô hình kinh doanh khả thi và có thể mở rộng. Antler là một ví dụ. Antler được thành lập năm 2017 bởi các nhà lãnh đạo công nghệ đã xây dựng các doanh nghiệp thành công trên thế giới. Họ đào tạo các tài năng địa phương và đưa các doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới về làm việc. Các "tinh hoa hội tụ" này được dùng để thực hiện những ý tưởng nhằm "giải quyết các cơ hội và thách thức lớn nhất thế giới, tạo ra giá trị cho cả doanh nghiệp và xã hội".

Bên cạnh đó, Singapore cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tài chính hấp dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh mức thuế thấp và điều kiện kinh doanh dễ dàng, một yếu tố quan trọng khác thu hút các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới đến nước này là sự đa dạng của các nguồn tài chính cho khởi nghiệp. Theo đó, Chính phủ Singapore sẽ cung cấp một số khoản tài trợ tiền mặt và chương trình tài trợ hấp dẫn giúp doanh nghiệp phát triển qua các giai đoạn đầu tiên. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, còn có nhiều mạng lưới đầu tư thiên thần, công ty đầu tư mạo hiểm, công ty cổ phần tư nhân, vườn ươm khởi nghiệp và các chương trình tăng tốc hỗ trợ các doanh nhân huy động vốn.

Singapore đã triển khai các chương trình tài trợ thành nhiều giai đoạn, tùy theo đặc điểm của các công ty khởi nghiệp. Đa số ở giai đoạn đầu, khi mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần vốn, thì các quỹ, như: Quỹ Tài trợ khởi nghiệp của ACE (ACE Satrt-up Grant), Quỹ Tài trợ khởi nghiệp I.JAM, hay Chương trình thương mại hóa doanh nghiệp công nghệ - Technology la Enterprise Commercialisation Scheme sẽ tài trợ cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu. Tất nhiên, để nhận được các khoản tài trợ và các chương trình này phải đủ các điều kiện và tiêu chí cho Chính phủ đặt ra.

Ngoài ra, Chính phủ Singapore chủ động tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia với hình thức hợp tác đầu tư để thành lập các công ty khởi nghiệp.

Tại Đức, hệ sinh thái khởi nghiệp có sức hấp dẫn rất lớn, cả về sự đa dạng lẫn toàn diện ở châu Âu, đặc biệt là tại Berlin. Tất cả các nhà khởi nghiệp lẫn đầu tư trên thế giới đều có thể tìm thấy cơ hội cho mình tại đây. Môi trường năng động của Berlin cung cấp đầy đủ các điều kiện cần thiết giúp cung cấp cơ hội đào tạo, khả năng tiếp cận vốn và mở rộng quy mô cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Các công ty khởi nghiệp có xu hướng tập trung xung quanh các trường đại học, nơi sản sinh ra các chuyên gia có trình độ cao và các nghiên cứu tập trung vào thực tiễn, đã tạo ra một môi trường tuyệt vời cho đổi mới sáng tạo.

Kết hợp với kết cấu hạ tầng tiên tiến, trải rộng trên toàn lãnh thổ, nước Đức đã cho phép mọi ý tưởng kinh doanh tìm được nơi phù hợp để triển khai thuận tiện và dễ dàng. Doanh nghiệp tại Đức được bảo trợ bởi một môi trường kinh tế, chính trị rất ổn định. Hệ thống luật bản quyền, luật sáng chế và luật thương hiệu được thiết kế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất tốt. Chính sách kinh tế của Đức cũng tập trung vào việc bảo vệ các ý tưởng xuất sắc. Đơn cử là Luật Cạnh tranh, cho phép đảm bảo các đối thủ không được phép tung các thông tin sai sự thật về nhau để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, mạng lưới hỗ trợ doanh nhân cũng làm việc hết sức hiệu quả. Các công ty khi thành lập cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về thông tin, cách tiếp cận và xử lý hiệu quả nguồn vốn, cùng mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp lẫn các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ.

Isarel là quốc gia được thế giới biết đến với thương hiệu “Quốc gia khởi nghiệp”. Để làm được điều này, bên cạnh việc tinh thần khởi nghiệp luôn được người dân và cộng đồng Israel đề cao, thì Chính phủ Israel luôn hướng đến phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp trong nước lẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại vườn ươm khởi nghiệp Israel, nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm, các ngành công nghiệp công nghệ cao, gồm: nhiều công ty khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và cả quân sự được đặt gần nhau, tạo điều kiện hiểu biết và thân thiết lẫn giữa nhà đầu tư và nhà khởi nghiệp. Cụ thể: Về phía nhà đầu tư, họ có cơ hội được kiểm chứng năng lực của ứng viên thông qua quá trình làm việc và cách ứng viên đó đối mặt với khó khăn. Ngược lại về phía nhà khởi nghiệp, họ có thêm mục đích để luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập và lao động, cũng như phát triển được kinh nghiệm và quan hệ của bản thân nhằm phục vụ các ý tưởng khởi nghiệp nảy sinh sau này.

Chính phủ Israel đứng ra thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng để cho tư nhân quản lý hoạt động, bộ phận tư nhân sẽ giám sát và điều phối việc đầu tư các quỹ này. Trong trường hợp hoạt động đầu tư có hiệu quả, tư nhân sẽ mua lại các quỹ đầu tư này còn nếu thua lỗ, Nhà nước sẽ gánh phần rủi ro. Chính phủ không quyết định sẽ đầu tư vào dự án nào và cũng không can thiệp vào hoạt động của các dự án này mà để các cấp quản lý tư nhân tự do lựa chọn. Những dự án về công nghệ sinh học sẽ nhận được khoản đầu tư lớn hơn so yêu cầu.

Nếu doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, họ có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không thành công, họ thậm chí không phải chi trả khoản tiền nào mà còn được tiếp tục nộp hồ sơ xin đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Thực tiễn tại Israel cho thấy, kinh phí đầu tư của Nhà nước tăng không nhiều, nhưng chính sách này lại kích thích được các công ty tư nhân tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, với số vốn lớn gấp nhiều lớn so với đầu tư từ Nhà nước.

Việt Nam cũng đang ngày càng hoàn thiện chính sách pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có một số văn bản quan trọng, bao gồm Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), có hiệu lực từ ngày 5/10/2020. Nghị định 94/2020 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC và cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại NIC, trong đó có việc được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh; được hưởng các ưu đãi cao nhất về thuế được quy định tại pháp luật về thuế.

Tiếp đến, tại Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ). Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/3/2021, quy định, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Cùng với hệ thống các chính sách từ Chính phủ, năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều hoạt động kết nối các tổ chức, các doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước vào công cuộc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là nỗ lực kết nối mạng lưới trí thức, doanh nhân tại châu Âu; phối hợp với USAID tổ chức Chương trình “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp”; phối hợp với Google hỗ trợ đào tạo nhân lực AI, Machine Learning tại Việt Nam; phối hợp với Amazon hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên nền tảng quốc tế; phối hợp với một số trường đại học, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học… Đồng thời, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số 2021-2030, nhằm thực thi Quyết định số 749/QĐ-TTg do Thủ tướng phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình, được kết nối các giải pháp, giúp các doanh nghiệp số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo; phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp…

Khung pháp lý và những hỗ trợ đã sẵn sàng, song theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp vẫn đang thiếu thông tin về các hình thức hỗ trợ của Nhà nước. Đây là một trong những rào cản chính khiến các doanh nghiệp chưa tận dụng được các hình thức hỗ trợ của Nhà nước trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.

Do đó, Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”, được tổ chức vào thứ Tư, ngày 15/12/2021 sẽ thông tin đến công chúng những thông tin chính sách, những hỗ trợ cụ thể từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan về hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo cũng nhằm chia sẻ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo thành công từ một số doanh nghiệp và góp ý chính sách từ góc nhìn doanh nghiệp để hoạt động này hiệu quả và lan tỏa đến cộng đồng. Cùng với đó, sự kiện tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.