Bản in
26/11 sẽ diễn ra Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
Diễn đàn sẽ diễn ra vào 13h30 - 17h30 ngày 26/11/2021 với hình thức trực tiếp và trực tuyến do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Tại Diễn đàn sẽ đưa ra giải pháp, khắc phục những rào cản còn tồn tại trong việc áp dụng chính sách đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, thảo luận cùng nhà quản lý, chuyên gia để đưa ra những kiến nghị về cơ chế phù hợp, ổn định giúp nhà đầu tư có kế hoạch, chiến lược khi đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh gắn với việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Những năm qua nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ, đã giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam phát triển. Theo số liệu từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt tính đến ngày 31/10/2021 đạt 20644 MW. Trong đó, năng lượng thủy điện chiếm 29,60%; dầu 1,98%, sinh khối 0,28%, năng lượng mặt trời là 22,57%, gió là 5,16% và khí chiếm 10,10% trong tổng công suất nguồn điện.

Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị điện mặt trời, các dịch vụ kỹ thuật, khai thác hiệu quả các vùng đất khô cằn, giúp thu hút lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào ngành điện.

Tuy nhiên, sự thành công trong triển khai các dự án năng lượng tái tạo cũng đặt ra những thách thức mới về mặt hạ tầng lưới điện và kỹ thuật điều độ hệ thống điện nhằm tối ưu hoá sử dụng nguồn điện mới vào hệ thống.

Trên thực tế, đại dịch COVID19 đã có những tác động tiêu cực nền kinh tế quốc gia, là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu sử dụng điện giảm so với kế hoạch sản xuất dẫn tới việc có những thời điểm nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi đã được Chính phủ ban hành, nhưng thời gian áp dụng chưa có lộ trình phù hợp với thực tế. Cơ chế cho điện mặt trời, điện gió của Việt Nam chỉ từ 01-02 năm, hết thời gian áp dụng cơ chế giá FIT, các nhà đầu tư phải rơi vào tình thế "tạm dừng hoạt động" để chờ cơ chế mới.

Ngoài ra, hệ thống pháp lý thu hút đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa có giải pháp đảm bảo hiệu quả cho các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo. Có nhiều khu vực buộc phải cắt giảm công suất phát của các nhà máy năng lượng tái tạo do lưới điện bị quá tải. Đặc biệt, hiện trạng này thường diễn ra tại các địa bàn có tiềm năng phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo lớn như các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, để tránh điều này tiếp tục xảy ra trong tương lai, các dự án được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực cần được ưu tiên xem xét khả năng truyền tải, nối lưới và tiêu thụ. Các đơn vị chủ quản như EVN, Bộ Công Thương cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc lựa chọn tiêu chí của dự án như công nghệ, công suất và địa điểm ngay từ đầu để phù hợp quy hoạch cũng như cần đưa ra các tiêu chí rõ ràng để lựa chọn các nhà phát triển dự án, nhà đầu tư có năng lực để có thể thực hiện dự án.

Nhằm đưa ra giải pháp, khắc phục những rào cản còn tồn tại trong việc áp dụng chính sách đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, thảo luận cùng nhà quản lý, chuyên gia để đưa ra những kiến nghị về cơ chế phù hợp, ổn định giúp nhà đầu tư có kế hoạch, chiến lược khi đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh gắn với việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

 

 

Tin: Lê Hà