|
|||
Phân huỷ cành thanh long thành chất hữu cơ Thanh long là một trong những loại cây trồng chủ lực của nông dân các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Theo Cục Trồng trọt, đến nay, cây thanh long có diện tích trên 55.200ha. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, cây thanh long có diện tích trên 9.000ha, trong đó huyện Chợ Gạo là thủ phủ thanh long của tỉnh với diện tích khoảng 7.500ha. Trong quá trình chăm sóc, khi cây thanh long đạt độ tuổi từ 4 năm tuổi trở lên sẽ xuất hiện những cành, bẹ không hữu dụng do đó thường được loại bỏ. Bình quân, mỗi trụ thanh long cần loại bỏ từ 10 - 12kg cành không hữu dụng, cành bệnh mỗi năm. Theo nông dân trồng thanh long cho biết, thông thường mỗi ha sẽ trồng khoảng 1.200 - 1.300 trụ. Do đó, lượng cành cần được loại bỏ khoảng 12 - 15 tấn/năm. Nói về vấn đề chăm sóc, tỉa cành cây thanh long, ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Khi thanh long trồng được 4 - 5 năm, cây đã đủ bẹ, đủ nhánh. Những nhánh ở trong sẽ bị che khuất không còn hữu hữu dụng, tức không ra hoa được cần được xử lý bỏ bớt để giảm gánh nặng phân bón. Lượng nhánh không hữu dụng cần cắt bỏ là 5 - 7 kg/trụ. Bên cạnh đó, những tháng mưa từ tháng 4 đến tháng 11 cây dễ bị bệnh. Do đó, khi cây ra nhánh non là phải cắt bỏ. Lượng nhánh này cũng từ 5 - 10 kg/trụ”. Cũng theo ông Văn Tấn Phương cho biết, hiện nay, đối với lượng nhánh thanh long bỏ đi này nông dân chỉ dùng tấn mương chưa có biện pháp tận dụng xử lý hiệu quả hơn. Để giải quyết vấn đề này, cũng như phát triển bền vững cây thanh long, Phòng Thí nghiệm Vi sinh, Viện Cây ăn quả miền Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xử lý cành thanh long thải bỏ bằng các chủng vi sinh vật có ích, kết hợp với phân chuồng để sản xuất phân hữu cơ sinh học”. Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện đã đưa ra quy trình khuyến cáo nông dân sử dụng hiệu quả loại phế phẩm này. TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Phó trưởng Bộ môn Nông học, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Nếu không xử lý cành thanh long được tỉa bỏ thì vô tình đã gây ra ô nhiễm môi trường cũng như tạo điều kiện lây lan mầm bệnh. Do đó, nếu tận dụng vi sinh vật có ích sẽ phân huỷ cành thanh long thành chất hữu cơ (phân huỷ Cellulose trong tế bào) để tiêu diệt mầm bệnh, cũng như cung cấp dinh dưỡng lại cho cây thanh long, đồng thời cải tạo đất.”
Quy trình 3 bước ủ cành thanh long thành phân hữu cơ sinh học Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, Viện Cây ăn quả miền Nam đã đưa ra quy trình xử lý ủ thân, cành thanh long thành phân hữu cơ sinh học qua ba bước. Bước 1: Chặt bỏ, thu gom cành thanh long già, bệnh Thường xuyên kiểm tra, chặt bỏ và thu gom các cành thanh long có triệu chứng bệnh đốm trắng, với vết bệnh nhiều, sẫm màu và lan nhanh. Cắt tỉa định kỳ hoặc sau mỗi lần thu hoạch nhằm loại bỏ những cành vô hiệu, ốm yếu, không có khả năng cho trái hoặc cho trái không đạt chất lượng. Thu gom về điểm tập trung (bãi ủ - 1 đến 2 điểm tập trung tùy thuộc vào diện tích vườn). Nếu chưa xử lý lập tức thì cần dùng bạt che phủ đống ủ để tránh mầm bệnh phát tán.
|