Bản in
Hoàn thiện ''chìa khóa'' của tăng trưởng bền vững
Đổi mới sáng tạo được xem là "chìa khóa" của tăng trưởng bền vững. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, khoa học công nghệ nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng phải trở thành động lực quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam. Nhiệm vụ đặt ra là phải nhanh chóng hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...

Sau những kết quả ban đầu

Là một quốc gia đang phát triển, song Việt Nam rất quan tâm và có nhiều biện pháp để thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo. Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, những chính sách thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam gần đây đã mang lại những kết quả tích cực. Bên cạnh việc ban hành chính sách, Chính phủ cũng quan tâm thiết lập các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Trong lúc hầu hết các doanh nghiệp đang lao đao vì Covid-19, thì tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn năm sau cao hơn năm trước. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, kết quả này đạt được là nhờ chủ trương lựa chọn phát triển bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của công ty trong hơn 10 năm qua.

Tương tự Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhiều doanh nghiệp nhờ cải thiện quản trị hệ thống khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nên đã đứng vững và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo - một trong những yếu tố chính giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được nước ta tập trung thúc đẩy trong những năm gần đây. Nhờ vậy, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta liên tục được cải thiện. Trong bảng xếp hạng GII năm 2021 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) mới công bố, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục trong tốp 45 nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất thế giới.

Báo cáo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cũng cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện một loạt cải cách từ cắt giảm chi phí kinh doanh, tăng cường khung pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) đến thí điểm chương trình tư vấn kinh doanh dựa trên nhu cầu để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa... Tuy nhiên, trong báo cáo của các chuyên gia WB cũng chỉ rõ, tốc độ và chất lượng cải cách của Việt Nam còn chưa đồng đều; chưa đạt mức kỳ vọng chỉ số tiêu chuẩn về đổi mới sáng tạo ở cả hai khía cạnh: Phổ biến công nghệ (áp dụng các công nghệ hiện có) và khám phá (sáng chế ra các sản phẩm, quy trình và công nghệ mới).

“Để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng, Việt Nam cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk khuyến cáo.

Nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là do hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam còn non trẻ và manh mún. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn tồn tại nhiều rào cản, chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới. Nhân lực công nghệ bị thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng. Việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ còn yếu. Việc liên kết giữa các chủ thể tham gia vào đổi mới sáng tạo còn lỏng lẻo…

Để tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông nguồn lực đầu tư thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, báo cáo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam của các chuyên gia WB đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần tiến hành cải cách ở một số lĩnh vực: Khắc phục những tồn tại trong môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; cải thiện số lượng, chất lượng và sự phù hợp của lực lượng lao động... Trước mắt, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp “đường biên công nghệ” thông qua việc tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia...

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, các chuyên gia của WB và WIPO đã giúp Việt Nam nhìn thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình cũng như hỗ trợ Việt Nam hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, góp phần hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia hướng tới tăng trưởng cao và bền vững.

“Việt Nam sẽ tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định.