|
|||
Chương trình Sách quốc gia là đề án mà Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Một trong những nội dung mà đề án hướng tới là thực hiện phát triển sách thuộc 8 lĩnh vực, trong đó có sách khoa học. Ông Nghiêm Vũ Khải - đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - nói về sự cần thiết của sách khoa học trong đời sống, nhất là sách trong thời đại kỹ thuật số phát triển hiện nay. Nguồn tri thức quan trọng để nâng cao trình độ nhà khoa học Sách khoa học kỹ thuật thường được dành cho một nhóm đối tượng riêng biệt. Theo ông, dòng sách này có vai trò như thế nào trong đời sống xã hội? Sách trong tất cả lĩnh vực đều quan trọng. Theo Vladimir Ilyich Lênin, không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội… Sách khoa học kỹ thuật có loại mang tính chất phổ biến kiến thức đại cương, đại chúng, và những sách phục vụ nghiên cứu, sách chuyên khảo, chuyên sâu. Đây là nguồn tri thức quan trọng trong nâng cao trình độ nhà khoa học, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Trước đây, sau khi du học ở Liên Xô về (năm 1976), mỗi kỹ sư trẻ mang một vài vali sách. Ai cũng lo nước nhà vừa ra khỏi chiến tranh thì chắc chắn thiếu sách khoa học, kỹ thuật. Quả thật, những cuốn sách đó giúp chúng tôi rất đắc lực, trở thành tài sản quý cho các cán bộ giảng dạy, kỹ sư, nhà giáo trẻ. Ngày nay, tri thức có ở mọi nơi. Vậy việc chúng ta làm lại những cuốn sách nền tảng có cần thiết? Sách chuyên khảo cung cấp kiến thức nền tảng, kết quả của những công trình nghiên cứu, những bí quyết công nghệ khó có thể tìm trên Internet hoặc các trang mạng. Tri thức chuyên sâu, hệ thống nằm trong sách nghiên cứu sâu, tạp chí chuyên ngành do các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạp chí khoa học có uy tín xuất bản. Các sách khoa học kỹ thuật tồn tại dưới nhiều dạng: Sách, tạp chí, chuyên san giấy, sách báo điện tử… Nhà khoa học phải luôn làm giàu, làm mới tri thức của mình bằng các nguồn sách với những kiến thức nền tảng, cập nhật, trình độ tiên tiến. Ông đánh giá như thế nào về sách khoa học kỹ thuật hiện nay? Trong những năm đất nước khó khăn, ngành xuất bản sách khoa học kỹ thuật đã có nhiều nỗ lực trong việc in sách chuyên khảo, khoa học. Thời ấy, tuy lương rất thấp, nhà khoa học vẫn dành dụm để mua và có thể mua sách phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Thời nay, có thể nói hoạt động xuất bản sách khoa học chưa có sự đánh giá toàn diện, xác thực; nhưng tôi cho rằng chưa tương xứng với tiềm lực, nhu cầu, vị thế kinh tế nước ta đang được nâng cao. Cần phải đầu tư, hỗ trợ xuất bản sách nói chung và sách khoa học kỹ thuật cho tương xứng với vai trò của nguồn tri thức quý giá này. Nếu nghĩ rằng cứ vào mạng là có tất cả thì phiến diện. Sách có vai trò và sứ mệnh không thay thế được. Quốc hội đã ban hành Luật Xuất bản với những chính sách ưu đãi cho các hoạt động trong lĩnh vực này. Một số nhà xuất bản đã tập trung làm nhiều đầu sách khoa học chuyên sâu rất đáng hoan nghênh, khích lệ. Tuy nhiên chưa đáp ứng nhu cầu của hoạt động nghiên cứu, phổ biến kiến thức nhằm bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí. Sách không chỉ cung cấp kiến thức cho những người cần, mà còn cổ vũ, vinh danh người viết, làm giàu kho tàng tri thức Việt Nam. Đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bao hàm cả đầu tư xuất bản, khuyến khích nhà khoa học có thành tựu viết sách, dịch sách khoa học nước ngoài. Sách khoa học chuyên sâu chỉ phục vụ một nhóm người, ít người đọc nên doanh thu từ bán sách thường không cao, cần có chính sách thỏa đáng bù đắp chi phí in ấn, phân phối sách và nhuận bút. Chọn sách khoa học chuyên sâu, khuyến khích sách của tác giả Việt Theo ông, những dự án như Chương trình Sách quốc gia đang được xây dựng có cần thiết? Nên chọn sách khoa học kỹ thuật như thế nào để đưa vào chương trình? Gần đây, Chính phủ quan tâm vấn đề văn hóa đọc, chúng ta có nhiều chương trình, như chương trình quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài, làm sách thiết yếu chính trị, xã hội, văn hóa, Giải thưởng Sách quốc gia... Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án Hệ tri thức Việt số hóa (2017). Như vậy, chúng ta có khá nhiều chương trình, đề án nâng cao văn hóa đọc, cung cấp thông tin cho công chúng, nhà khoa học, nhà sáng chế. Với tôi, đề án Chương trình Sách quốc gia rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải làm sao để những đề án như này đi vào cuộc sống. Nếu đề án được thông qua, ông có góp ý gì để chương trình được hiệu quả? Trên thị trường sách hiện nay, có một số loại sách được độc giả yêu thích, số lượng sách bán được khá cao, đủ trang trải cho những chi phí cần thiết. Tuy vậy, đối với sách khoa học công nghệ chuyên sâu, do số lượng người đọc không nhiều nên phải áp dụng cơ chế hỗ trợ cho xuất bản, phân phối, quảng bá; sao cho việc tiếp cận sách khoa học được thuận lợi. Cần khuyến khích để các thư viện, tủ sách công ích và tư nhân phát triển nhằm phục vụ ngày càng đông đảo độc giả với nhu cầu tri thức đa dạng. Được biết, đề án Chương trình Sách quốc gia chọn làm 8 lĩnh vực sách. Cần có cơ chế ưu tiên xuất bản sách khoa học chuyên sâu, khuyến khích sách của tác giả người Việt, đồng thời, cần chú trọng làm sách trong các lĩnh vực mà đất nước mình coi là mũi nhọn, ưu tiên phát triển. Ví dụ, sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; kinh nghiệm nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Một lĩnh vực cần quan tâm nữa là sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, sáng chế, tạo ra những sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân. Đề án Chương trình Sách quốc gia làm sách điện tử và sách nói. Ông đánh giá như thế nào về việc lựa chọn sách số chứ không phải sách in? Chúng ta đã làm một số chương trình liên quan đến xuất bản phẩm điện tử giúp phổ biến nhanh, kịp thời, người đọc có thể thể sử dụng bằng nhiều phương tiện như điện thoại, máy tính, máy đọc sách, máy tính bảng. Tuy nhiên, sách in có vai trò riêng của nó, nhất là trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Cần đa dạng hóa xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng và mục đích phát triển văn hóa đọc. Nguồn: zingnews.vn
|