Bản in
Kết nối viện trường, doanh nghiệp thúc đẩy đặt hàng nghiên cứu
Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030 được xây dựng sẽ tạo cơ chế kết nối viện, trường nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị lấy ý kiến về Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 -2030 (Chiến lược) tổ chức chiều 16/10 tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy nêu quan điểm về sự thiếu kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Ông cho rằng đứt gãy kết nối giữa đại học và doanh nghiệp là điểm yếu quan trọng nhất dẫn đến đóng góp khoa học công nghệ cho kinh tế xã hội chưa thực sự mạnh mẽ trong thời gian qua.

Lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, mục tiêu của ngành trong 10 năm tới khoa học công nghệ sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế. Chỉ số này là tổng hợp từ ba yếu tố: đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh doanh nghiệp.

Tuy nhiên trên thực tế năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp hiện nay khá thấp.Nhiều doanh nghiệp chỉ có năng lực mua máy móc vào sản xuất thay vì chủ động cải tiến và phát triển công nghệ mới. "Việc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp dựa nhiều vào nước ngoài, khi hỏng máy móc hay cập nhật dây chuyền sản xuất phải nhờ chuyên gia quốc tế", thứ trưởng Duy dẫn chứng. Việc này thể hiện rất rõ trong đợt giãn cách vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn do không có chuyên gia nước ngoài.

Ông cho rằng, điểm yếu này xuất phát từ nguyên nhân kết nối viện trường bị đứt gãy, khiến đội ngũ nhà khoa học trong nước không có cách giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, trong Chiến lược đang xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ thêm yếu tố đổi mới sáng tạo vào đề án, tạo ra chu trình hoàn chỉnh trong phát triển khoa học và công nghệ.

Phân tích sự bổ sung này, thứ trưởng Duy cho biết, trước đây khoa học công nghệ sử dụng tiền để tạo ra tri thức bằng các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ, nó có thể tồn tại dưới dạng bài báo, phát minh, quy trình sản xuất. Còn đổi mới sáng tạo là quy trình ngược lại, biến tri thức thành tiền, thành sản phẩm nghiên cứu đưa vào cuộc sống, tạo quy trình khép kín. "Khi chiến lược gắn với quy trình khép kín như thế sẽ tạo tạo ra gắn kết trường đại học và doanh nghiệp nhiều hơn", thứ trưởng nói.

Ngoài ra, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được Bộ Khoa học và Công nghệ định hướng sẽ hoàn chỉnh với sự có mặt các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các tổ chức trung gian để hỗ trợ về tiêu chuẩn chất lượng, tài sản trí tuệ, định giá công nghệ... mục tiêu gắn khoa học công nghệ với doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường.

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và kết nối doanh nghiệp, thứ trưởng Duy mong muốn, các đại học đổi mới chương trình đào tạo, không chỉ dạy chuyên ngành mà còn có kiến thức về sáng tạo cho sinh viên để khi ra trường tạo nguồn nhân lực tốt cho doanh nghiệp. Nguồn nhân lực doanh nghiệp có thể quay lại đại học làm nghiên cứu, ngược lại giảng viên phải xuống doanh nghiệp làm việc vài tháng, tạo ra sự gắn kết hai bên nhiều hơn.

GS. Võ Văn Tới nêu quan điểm về sự gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Hà An

Ủng hộ quan điểm này, GS Võ Văn Tới, nhà khoa học Việt kiều Mỹ cho rằng, để gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp, nhà trường cần chia nguồn nhân lực của mình thành ba nhóm: giảng dạy, nghiên cứu và kinh doanh. Trong đó nhóm kinh doanh sẽ phụ trách ba lĩnh vực chính. Nhóm thứ nhất chuyên xem xét trường mình đang làm việc có những nghiên cứu, sáng chế gì và làm thế nào để có thể biến sản phẩm đó có giá trị thị trường để ứng dụng. Nhóm thứ hai là các chuyên gia pháp lý cùng bàn bạc với doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về các quy định pháp luật. Nhóm thứ ba chuyên thành lập các doanh nghiệp trong trường đại học, có liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ.

"Nếu làm như lâu nay rất khó, vì giảng viên phải phụ trách công việc giảng dạy, nghiên cứu và không có nhiều thời gian làm việc với doanh nghiệp", GS Tới nói và cho rằng, cần có sự đổi mới trong đại học. Khi tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp trong đại học sẽ tạo ra những mối liên hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp bên ngoài và nhà trường.

TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP HCM cho rằng, phía doanh nghiệp luôn coi lợi ích kinh tế là số một. Do đó các nghiên cứu, sáng chế từ viện trường phải tạo được giá trị kinh tế cho họ. "Các mối liên kết của đại học và doanh nghiệp như việc giảng viên xuống doanh nghiệp làm việc cần phải trở thành những quy định và chính sách cụ thể mới có thể đi vào thực tiễn", ông Xô nói.

Dự thảo Chiến lược do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện, dự kiến tháng 11 sẽ trình Chính phủ.

Một số mục tiêu đến năm 2030:

Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu chung, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng.

Mục tiêu cụ thể: Duy trì và nâng cao đóng góp của KHCN, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thể hiện qua đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức 45-50%.

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 nước hàng đầu thế giới.

Phấn đấu tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1-2% GDP, trong đó đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu phát triển chiếm từ 65-70%.

Số cán bộ nghiên cứu phát triển (quy đổi toàn thời gian) đạt 12 người/vạn dân.

Hệ thống tổ chức KHCN được cơ cấu lại theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả. Đến năm 2030 có 60 tổ chức KHCN được xếp hàng khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

Số lượng công bố quốc tế tăng khoảng hai lần so với năm 2020. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm. Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ.