|
|||
Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi" (Chương trình) được Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì triển khai. Tính đến nay, Chương trình đã được thực hiện qua bốn giai đoạn: Giai đoạn từ năm 1998-2002; Giai đoạn từ năm 2004-2010; Giai đoạn từ năm 2011-2015 và giai đoạn hiện nay là từ năm 2016-2025. Hiệu quả từ các dự án Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được triển khai thực hiện tại các tỉnh. Dự án đã giúp nâng cao trình độ sản xuất, đẩy mạnh liên kết, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân tại vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Tại An Giang, từ những kết quả cho thấy, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất thiết thực, cụ thể như mô hình cá lóc trong bể bạt và mô hình nuôi lươn không bùn đã xây dựng thành công và góp phần hình thành một phương thức sản xuất mới,phương thức khai thác mang tính kết hợp hài hòa và hiệu quả tiềm năng diện tích đất nước sẵn có trong hệ thống sản xuất nông nghiệp – thủy sản kết hợp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở vùng nông thôn của tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Các dự án thuộc Chương trình NTMN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều chú trọng đến các nội dung chuyển giao làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật và người dân; tăng cường trình độ chuyên môn và năng lực chỉ đạo sản xuất cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở là người địa phương, người dân tộc… Qua thực hiện các dự án, khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KH&CN của người dân ở vùng nông thôn, miền núi và hiệu quả sản xuất được tăng lên rõ rệt. Thông qua Chương trình, các dự án giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Bắc Giang đã chuyển giao 18 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo trên 90 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 2.300 lượt người dân; tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN đã tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, miền núi. Điển hình là một số dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang”, “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất lúa, gạo chất lượng cao tại tỉnh Bắc Giang”, “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương và nuôi thương phẩm cá Trắm đen và cá Rô phi đơn tính đực được sản xuất bằng công nghệ lai khác loài tại Bắc Giang”… Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất và đời sống tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất chè, cam an toàn với diện tích hàng nghìn ha, các mô hình chăn nuôi gia súc bò vàng, dê, lợn đen bản địa phát triển theo hướng gia trại, trang trại; xây dựng vùng thâm canh Keo lai các giống quy mô 100ha nhằm phát triển rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mô hình trồng bảo tồn, lưu giữ giống gốc với Quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chế biến 5 loại cây thuốc nhằm tạo ra dược liệu có chất lượng cao. Sự thành công của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ xử lý nước mặt để cấp nước sạch tập trung tại xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang” đã xây dựng mô hình xử lý và cấp nước sạch sinh hoạt công suất 500m3/ngày đêm phục vụ đồng bào dân tộc vùng khó khăn huyện Vị Xuyên, giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc xây dựng đời sống văn hóa mới… Có thể khẳng định, các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi triển khai trên địa bàn các tỉnh trong thời gian qua có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây là Chương trình có ý nghĩa thiết thực và là cầu nối giữa khoa học với sản xuất, tạo thu nhập cho người dân và doanh nghiệp tham gia dự án, từng bước nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc về khoa học và công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất và đời sống.
Các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương Nhiều điểm mới trong Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025 Tính đến nay, Chương trình đã triển khai thực hiện qua 3 giai đoạn với 856 dự án tại 62 tỉnh, thành phố. Thông qua Chương trình đã huy động lực lượng cán bộ KH&CN của trên 80 cơ quan KH&CN Trung ương và lực lượng cán bộ KH&CN của các địa phương làm công tác chuyển giao công nghệ và đã chuyển giao được 4.804 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.136 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.700 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương, tập huấn cho 237.704 lượt nông dân. Đã sử dụng khoảng 38.387 lao động tại chỗ góp phần giải quyết được tình trạng lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân. Chương trình đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn các tỉnh, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả của Chương trình được phát huy nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn cũng như thực hiện chương trình phát triển KT-XH bền vững của địa phương. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình đặt ra chỉ tiêu chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ, xây dựng tối thiểu 1.000 mô hình, đào tạo ít nhất 1.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, tập huấn cho khoảng 60.000 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học công nghệ được chuyển giao. Theo ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cho biết, ngoài yêu cầu như các Chương trình Nông thôn Miền núi giai đoạn trước (2004-2010, 2011-2015), Chương trình giai đoạn 2016-2025 yêu cầu chặt chẽ hơn về tính pháp lý của công nghệ cũng như quyền chuyển giao công nghệ của Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ như: Công nghệ phải được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được đánh giá, nghiệm thu từ mức đạt trở lên; Tổ chức chủ trì phải là chủ sở hữu công nghệ hoặc có quyền chuyển giao hợp pháp công nghệ hoặc là tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước tạo ra công nghệ được ứng dụng chuyển giao,… Giai đoạn 2016-2025 cũng đẩy mạnh tăng cường, hỗ trợ, ưu tiên các dự án cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; Ưu tiên về tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước cao hơn dành cho những dự án thuộc vùng này; Thúc đẩy, tăng cường dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất, doanh nghiệp trở thành hạt nhân giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa; dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin truyền thông thúc góp phần đẩy sự phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Bài, ảnh: Huyền Minh
|