Bản in
Khoa học và Công nghệ: Nền tảng quan trọng để tái cơ cấu ngành Công Thương
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) có ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hoạt động KH,CN&ĐMST ngành Công Thương trong thời gian qua đã có những bước điều chỉnh trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện.

Khoa học và công nghệ là động lực then chốt

Trong giai đoạn vừa qua, KH&CN đã đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Công Thương. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương, đặc biệt đối với các DN chế biến, chế tạo liên tục phát triển và đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. 

Các sản phẩm của Việt Nam không chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đã vươn ra thị trường thế giới. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta đã có vị trí cao trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia với nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Chính sách KH&CN cùng nhiều hoạt động hỗ trợ của nhà nước và Bộ Công Thương là yếu tố thúc đẩy những đóng góp có ý nghĩa của KH&CN cho phát triển của ngành, lĩnh vực cũng như từng DN, đặc biệt trong những năm gần đây.

Cụ thể, giai đoạn đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai đồng bộ 9 chương trình/Đề án khoa học công nghệ cấp quốc gia, 2 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ, thu được những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, đào bào bồi dưỡng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế; nhiều sản phẩm ứng dụng mang tầm khu vực và quốc tế, góp phần phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Các nhiệm vụ đã tập trung vào hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Các thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội chính là sự khẳng định về vai trò quan trọng của việc áp dụng, cách tiếp cận KH,CN&ĐMST phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành Công Thương.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, KH&CN góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở phạm vi quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Ở tầm vĩ mô, sự phát triển của KH&CN có tác động quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu. Sản phẩm KH&CN đóng góp trực tiếp vào GDP. KH&CN tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Ở phạm vi DN, KH&CN góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của DN. Một quốc gia có tiềm lực KH&CN là quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế cao.

Đề xuất các chính sách phát triển KH&CN

Mặc dù hoạt động KH&CN ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, hoạt động KH&CN ngành Công Thương còn gặp nhiều thách thức như năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp, tỷ lệ tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh của DN còn hạn chế. Ngoài ra, hệ sinh thái về KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, thiếu kết nối và các mô hình hợp tác hiệu quả giữa tổ chức KH&CN – Trường học – Doanh nghiệp, thiếu kết nối giữa tư vấn phát triển sản xuất công nghiệp và tư vấn chuyển đổi số,…

Tại Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2021 với chủ đề “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, hội thảo là cơ hội để các đơn vị tham mưu, giúp việc Bộ trưởng trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ ngành Công Thương được lắng nghe, hiểu rõ hơn các kết quả nghiên cứu, các nội dung thảo luận, trao đổi học thuật, cũng như các đề xuất về các chính sách phát triển KH&CN, kinh tế - xã hội từ các diễn giả để xây dựng những định hướng hoạt động KH&CN trong thời gian tới được phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn. 

Ông Trần Việt Hòa cho biết thêm, hoạt động KH,CN&ĐMST ngành Công Thương thời gian qua đã có những bước điều chỉnh trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện. Các thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội chính là sự khẳng định về vai trò quan trọng của việc áp dụng, cách tiếp cận KH,CN&ĐMST phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành Công Thương.

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy phát triển KH&CN, sáng tạo khởi nghiệp đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, TS. Phạm Thị Thu Hoài, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học kinh tế, Kỹ thuật Công nghiệp cũng cho biết, nhà trường luôn lấy mục tiêu phát triển bền vững là nền tảng, chất lượng, hiệu quả là mục tiêu hướng tới. Theo đó, giải pháp về phát triển KH&CN và Hợp tác quốc tế luôn được nhà trường chú trọng đẩy mạnh và hiện đang triển khai mạnh mẽ…

Trong giai đoạn 2022-2025, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp khẳng định, nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hợp lý để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức; Chú trọng công tác chuyển giao công nghệ, từng bước tìm cách đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế…

Các chuyên gia cho rằng, đối với ngành Công Thương, để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu trong tình hình mới, trong giai đoạn tới, các hoạt động KH&CN của ngành sẽ được triển khai tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Trong đó, tiếp tục bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt và đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực của ngành Công Thương; xây dựng và quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011-2030 cũng như phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Đồng thời, tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phát triển bền vững, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, Bộ ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Bài, ảnh: Huyền Minh