Bản in
Bài cuối - Chuyển khó khăn thành cơ hội để bứt phá
Ðể khoa học và công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt, thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả trong phát triển kinh tế đia phương, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cần thêm các chính sách mang tính đột phá, các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi để chuyển khó khăn thành cơ hội, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Chuyển khó khăn thành cơ hội phát triển

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, ở khu vực miền núi chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng dự án phê duyệt phụ thuộc vào mục tiêu, nội dung của Chương trình Nông thôn miền núi và tình hình ngân sách, nên chỉ đáp ứng được một số lượng nhất định đề xuất dự án từ địa phương.

Ðể Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn miền núi giai đoạn 2021-2025 được thực hiện hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, các Sở Khoa học và Công nghệ cần tăng cường hơn nữa vai trò tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trong việc đề xuất dự án để bảo đảm lựa chọn trúng các vấn đề cấp thiết tại địa phương, lựa chọn đúng đơn vị có năng lực thực hiện dự án. Xây dựng dự án phải chủ động từ khâu sản xuất giống, vùng nguyên liệu, chế biến ra sản phẩm cuối cùng và phải gắn với thị trường tiêu thụ nhằm ổn định sản xuất. Các mô hình phải phát huy tối đa các lĩnh vực là thế mạnh của các địa phương.

Bên cạnh đó, để hoạt động khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường, góp phần tạo bước đột phá trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và môi trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành xây dựng, điều chỉnh các chính sách để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 88/2019/QH14 "Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc" và Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ðối với các địa phương, lựa chọn các giải pháp đột phá dựa trên những tiềm năng, lợi thế của mình, đầu tư phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ để chuyển khó khăn thành cơ hội, chú trọng đổi mới phương thức xây dựng mô hình trình diễn; nâng cao năng lực cho người dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện các địa phương đều sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trong đó khuyến khích liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, vừa bao tiêu được sản phẩm đầu ra, tạo ra được vùng nguyên liệu hàng hóa và quan trọng hơn là mối liên kết đó bền vững hơn.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà quản lý-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông) thì doanh nghiệp là chủ thể quan trọng thúc đẩy thành công ứng dụng khoa học và công nghệ, tiếp cận các công nghệ mới, lập kế hoạch sản xuất, mô hình tổ chức kinh doanh, đến đầu tư cơ sở hạ tầng và huy động vốn, đầu mối thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, trước hết là hướng dẫn người dân từng bước thay đổi nhận thức, tiếp tục thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Ðây cũng là cách nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa… Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc và gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… trên địa bàn để biến khó khăn thành cơ hội.

Hiệu quả thiết thực về kinh tế-xã hội và môi trường

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ của các dự án đã góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Các dự án cũng góp phần tham gia thị trường công nghệ, tăng cường sự hợp tác giữa địa phương với các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ; cải thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết các dự án đều đưa lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho tổ chức chủ trì, thể hiện sự gia tăng doanh thu và lợi nhuận so với trước khi thực hiện dự án hoặc so với đơn vị không thực hiện dự án. Cơ chế đầu tư của Chương trình đã tạo ra phương thức thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư cho sản xuất bằng việc yêu cầu bắt buộc phải có kinh phí đối ứng khi tổ chức chủ trì thực hiện dự án. Với cơ chế này, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã thu hút được hơn 1.800 tỷ đồng kinh phí từ nguồn vốn tự có của tổ chức chủ trì và các nguồn kinh phí khác để phục vụ sản xuất.

Các dự án được thực hiện thành công đã tạo ra sản phẩm xuất khẩu hay sản phẩm thay thế sản phẩm nhập khẩu; việc ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm mới có thể làm thay đổi cơ cấu sản xuất của một đơn vị sản xuất hay của một vùng sản xuất. Đặc biệt, các dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế gián tiếp rất quan trọng, đó là hiệu ứng lan tỏa các dự án được Chương trình nông thôn miền núi hỗ trợ thực hiện đã xây dựng các mô hình sản xuất là những hình mẫu về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có tính đại diện cho địa bàn triển khai.

Về hiệu quả xã hội, các dự án triển khai thu hút được nhiều lao động tham gia sản xuất, nhất là khi các mô hình áp dụng khoa học và công nghệ được lan tỏa nhân rộng, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân tham gia dự án. Các dự án góp phần sản xuất bền vững, bình ổn giá nông sản. Vì thế, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ nhanh chóng được nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, các dự án đã mang lại hiệu quả môi trường khi tận dụng được các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, mùn cưa…) để sản xuất thành sản phẩm có giá trị sử dụng và trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Qua đó, không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà cả người dân sẽ có ý thức tận dụng, thu gom để cấp cho dự án, vừa có tác dụng tăng thu nhập, vừa góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó, các dự án sản xuất gạch không nung đã góp phần phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Các dự án sản xuất rau, quả, chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn theo VietGap, an toàn hữu cơ không chỉ giúp tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, mà còn giúp giảm thiểu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học ra môi trường, giảm phát thải từ sản xuất ra môi trường. Ngoài ra, các dự án xử lý nước, cấp nước sạch, tưới tiết kiệm nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho những khu vực khí hậu khô hạn.

Nguồn: baotintuc.vn