|
|||
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ Trong quá trình hội nhập quốc tế với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò của KH&CN đối với sự phát triển toàn diện đất nước. KH&CN được xác định là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ trương, đường lối về vai trò của KH&CN đã được cụ thể trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Nắm bắt xu hướng và xác định hướng đi cho nông nghiệp, trong nhiều năm qua, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư và ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là hệ thống chính sách, chương trình, đề án liên quan đến khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn, như: Doanh nghiệp ứng dụng thành công thành tựu KH&CN trong sản xuất được ưu tiên xét giao thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, được quỹ của nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động KH&CN; Doanh nghiệp được ưu đãi về thuế từ thu nhập thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng ở Việt Nam.... (Luật KH&CN); Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho phát triển nâng tiềm lực KH&CN, đầu tư hỗ trợ xây mới, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định... các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ... cho các doanh nghiệp là tổ chức KH&CN (Nghị định số 95/2014/NĐ-CP). Đặc biệt, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có nhiều điểm đột phá mới trong cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao như: Doanh nghiệp được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70%-80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao với hình thức cho vay linh hoạt; ưu đãi về tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính… Việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nhiều doanh nghiệp chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đã và đang được triển khai nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng bảo vệ sản phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh; ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất… Qua đó đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng nhanh. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, Chính phủ cũng dành nhiều nguồn lực tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ năng suất chất lượng nông sản; thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người sử dụng, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt là những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ở trong nước và ngoài nước. Bứt phá trong ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp KH&CN được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp đã tạo ra hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng của nông nghiệp trong những năm qua. Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, KH&CN đã đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2020, từ kết quả nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 210 giống mới (trong đó giống cây trồng: 157 giống, giống thủy sản 12 giống; giống cây lâm nghiệp 22 giống và giống vật nuôi: 19 giống), 131 Tiến bộ kỹ thuật mới (trồng trọt là 71 TBKT, Chăn nuôi 26 TBKT, Lâm nghiệp 17 TBKT; Thủy lợi 2 TBKT, thủy sản 15 TBKT), 81 sáng chế/giải pháp hữu ích đã được công nhận; nhiều công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; 1889 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, 4324 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và nhiều giải thưởng cao quý như VIFOTEC, Bông lúa vàng, Techmart, Châu Á Thái Bình Dương,…
Nhiều kết quả nghiên cứu và công nghệ được chuyển giao ứng dụng vào nông nghiệp Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các viện, trường đã được ứng dụng vào sản xuất hiệu quả, như: giống cây trồng và vật nuôi, quy trình công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật… Các viện, trường đã có sự phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương hay thông qua các mô hình khuyến nông đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật được nhanh chóng chuyển giao, phục vụ sản xuất. GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản, nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Những thành tựu trên một lần nữa khẳng định các kết quả đạt được của ngành nông nghiệp nhờ có sự đóng góp của KH&CN, thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, mới đây Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2030, hai Bộ sẽ ưu tiên thực hiện hiệu quả các Chương trình KH&CN cấp quốc gia, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương. Đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo nên những đột phá về chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Bài, ảnh: Diệu Huyền
|