Bản in
Thị trường khoa học và công nghệ: Bước chuyển tích cực
Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành nhằm thúc đẩy việc hình thành, phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với ứng dụng vào thực tiễn…

 Đánh dấu bước tiến về hoàn thiện thể chế

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), trong giai đoạn 2011-2020, hệ thống cơ chế, chính sách về thị trường KH&CN cơ bản được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN được ban hành với 14 văn kiện (Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ), 4 Luật, 6 Nghị định và 12 thông tư…

Cùng với Luật KH&CN (sửa đổi) năm 2013 quy định chủ trương, chính sách của nhà nước trong việc phát triển thị trường KH&CN, trong đó đặc biệt khuyến khích các thành phần kinh tế, xã hội cùng tham gia phát triển thị trường; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN cụ thể hóa các quy định liên quan đến phát triển thị trường KH&CN…

Đặc biệt, các cơ chế, biện pháp về ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn cung - cầu công nghệ, giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ và phát triển tổ chức trung gian; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; công nhận quyền tài sản, quyền sở hữu đối với các kết quả nghiên cứu khoa học; sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi, miễn giảm thuế cho khởi nghiệp sáng tạo…

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN - nhấn mạnh, vai trò của thị trường KH&CN càng ngày càng quan trọng khi Việt Nam đã tham gia vào thị trường toàn cầu và đặc biệt trước bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách là công cụ quan trọng để thiết kế, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho các bên tham gia vào các hoạt động giao dịch của thị trường trong nước cũng như hội nhập với quốc tế.

Tăng cường năng lực các tổ chức trung gian

Tạo đòn bẩy trong phát triển thị trường KH&CN, còn phải kể đến việc các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đã được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ được tăng cường theo hướng liên kết các vùng miền, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động của các trung tâm ứng dụng kỹ thuật tiến bộ ở các địa phương.

Năng lực của các tổ chức trung gian thị trường KH&CN được tăng cường thông qua hoạt động đào tạo cán bộ về kiến thức và kỹ năng môi giới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu cung - cầu công nghệ, các sàn giao dịch điện tử, nền tảng sở hữu trí tuệ trên mạng internet…

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, hiện cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN bao gồm: Sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

Trong đó, số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.

Với hệ thống các văn bản pháp lý không ngừng được hoàn thiện, các cơ chế hỗ trợ phát triển có tính thực tiễn cao, đã tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào sản xuất.