Bản in
Toán học được ứng dụng trong mọi mặt đời sống
Tại sự kiện “Toán: Học ở đâu và làm thế nào” diễn ra mới đây tại Hà Nội, các nhà Toán học đã chia sẻ thông tin ứng dụng Toán trong mọi mặt đời sống, từ xét tuyển đại học đến tham gia cung cấp thông tin cho Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch covid - 19, hay cả “vận may” qua các trò chơi…

Gần gũi đến bất ngờ

Chia sẻ thông tin về các khối đa diện đều và những bí ẩn Toán học, PGS. TSKH. Phan Thị Hà Dương lần lượt phân tích các lý thuyết Toán, đi sâu giải mã những hình khối đã có lịch sử hơn 4000 năm, từ chứng minh của nhà bác học Hy Lạp cổ đại Theatetus đến chu trình Hamilton rồi đường trắc địa. Từ đó gợi mở những ứng dụng thực tế của khối đa diện đều trong triết học, thiên văn học, tin học, sinh học, thiết kế kiến trúc và cả những trò chơi may rủi; trong đó gây hứng thú đặc biệt là kiến trúc của Fuller dựa trên khối nhị thập diện giải mã 12 điểm kỳ dị trong các công trình kiến trúc vĩ đại của thế giới. 

TS. Hà Minh Hoàng, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ, mức độ gần gũi với cuộc sống của Toán học thật bất ngờ với các bạn trẻ. Hằng ngày, mỗi người đều phải đưa ra nhiều quyết định, việc đưa ra quyết định dựa vào các thông số đã có. Với mỗi cá nhân, quyết định được đưa ra trên cơ sở chỉ có vài ba phương án.

Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, việc đưa ra quyết định phải dựa trên nhiều thông số. Việc chọn được phương án tối ưu trong bối cảnh có vô vàn biến là rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của Toán học. Và đó là lý do để vận trù học ra đời.

TS. Hoàng cho biết, tại Việt Nam, vận trù học phát triển khá sớm với nhà Toán học tiên phong là GS. Hoàng Tụy. Ông chính là cha đẻ của lý thuyết Toán tối ưu toàn cục, một nhánh của lý thuyết tối ưu, là kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực vận trù. 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, gần đây vận trù học bắt đầu có vai trò ứng dụng trở lại trong đời sống. Nhóm nghiên cứu của TS. Hà Minh Hoàng ở Trường Đại học Phenikaa ngày càng được nhiều đơn vị, tổ chức “đặt hàng” để giải quyết các vấn đề phức tạp trong các lĩnh vực truyền hình, giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế, giáo dục…

Trong giáo dục, ứng dụng của vận trù học chính là giải quyết bài toán xác định điểm chuẩn tuyển sinh đại học. Bài toán đặt ra với các trường đại học là cần xác định điểm chuẩn của từng ngành sao cho lượng thí sinh đỗ vào trường là lớn nhất (phải lọc ảo tự động). Nếu tất cả các ngành cùng chọn điểm chuẩn là điểm sàn thì trường đối mặt với nguy cơ ngành hot bị vượt chỉ tiêu (sẽ bị phạt), ngành ít thu hút người học càng thiếu sinh viên.

Toán học trong cuộc chiến chống đại dịch covid – 19

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Doanh, Phó phòng Khoa học, Trường Đại học Thủy lợi, thành viên Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch covid – 19 cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ là cập nhật, phân tích và sử dụng thông tin, số liệu giúp Ban chỉ đạo trong phòng chống đại dịch.

Khi dịch covid - 19 xảy ra trên toàn cầu, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tham gia rất tích cực vào việc đưa ra các mô hình để tính toán và dự báo khả năng dịch sẽ lên đỉnh vào thời gian nào ở các quốc gia như Anh, Mỹ… 

Một trong các mô hình mà nhóm PGS.TS. Nguyễn Ngọc Doanh sử dụng trong trường hợp dịch ở Việt Nam là áp dụng khoa học mạng lưới để lập các mô hình lan truyền cổ điển (SEIR). PGS. TS, Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ, khi sử dụng mô hình này có một số thuận lợi, như công tác truy vết rất tốt, từ một ổ dịch xác định được có bao nhiêu F1, F2; thời điểm chuyển vào khu cách ly; thời điểm phát bệnh. Công việc của nhóm thuộc nhóm đánh giá rủi ro về tác động của virus, việc chạy mô hình toán đóng góp một phần dữ liệu trong chỉ số rủi ro.

“Vận may” dưới góc nhìn Toán học

Tại sự kiện, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học VinBigdata đã lý giải về việc ai đó gặp may trong các trò đỏ đen? Vì sao con bạch tuộc đoán đúng các kết quả trận bóng đá? Vì sao một chú cún có thể chơi chứng khoán giỏi?... GS. Vũ Hà Văn kể về Paul, một nhân vật có thật, từng “làm mưa làm gió” trong dư luận giới hâm mộ bóng đá toàn cầu năm 2010.

GS. Vũ Hà Văn với bài giảng “Chuyện của Paul”

Paul là tên gọi của một con bạch tuộc mang “quốc tịch Đức”, là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của World Cup 2010. “Thành tích nổi bật” của Paul là đoán được kết quả thắng - thua của cả 7 trận đấu của đội tuyển Đức. Ngoài ra, Paul còn đoán trúng kết quả trận chung kết, Hà Lan - Tây Ban Nha. 

GS. Vũ Hà Văn nói, việc đoán trúng được chính xác kết quả 8 trận đấu là điều rất ít nhà bình luận thể thao làm được. Vậy nhìn nhận câu chuyện của Paul dưới góc độ Toán học như thế nào đây?”. Theo GS. Vũ Hà Văn, có thể lý giải câu chuyện này bằng một định lý nổi tiếng, có vai trò trung tâm trong lý thuyết xác suất, đó là luật số lớn. 

GS. Vũ Hà Văn cho hay, luật số lớn được ứng dụng rất nhiều trong đời sống. Giả sử bây giờ cho một chú chó tên Cún chơi chứng khoán thì nhiều khả năng Cún sẽ đoán đúng 1 mã nào đó lên hay xuống trong vòng 1 tuần và đoán đúng 10 mã liền trong vòng 10 tuần lễ. Nếu trong đời thực có một ai có tần suất đoán đúng tương tự thì đó quả là một nhà đầu tư chứng khoán tài ba.

Sự kiện đã kết nối và chia sẻ hệ tri thức toàn cầu, từ đó, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Sự kiện “Toán – Học thế nào và Làm ở đâu?” được Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF – Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Viện Toán học và Trung tâm Thông tin Tư liệu – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đồng tổ chức. Sự kiện nhằm kết nối và chia sẻ hệ tri thức toàn cầu, từ đó, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Toán học Quốc tế 2021 tại Việt Nam, với chủ đề “Toán học cho một thế giới tốt đẹp hơn”.

Bài, ảnh: Lê Chi