|
|||
Tự hành - Công nghệ của tương lai Đối với việc phát triển thiết bị không người lái trên thế giới từ năm 1921, quân đội Mỹ đã trình làng một chiếc xe kéo ba bánh điều khiển bằng sóng vô tuyến mang tên tên Radio Air Service tại căn cứ không quân ở Ohio. Tuy được coi là chiếc xe không người lái đầu tiên trên thế giới nhưng thật khó để coi đó là một phương tiện sử dụng hàng ngày. Đến năm 1925, mẫu xe không người lái đúng nghĩa đầu tiên mới chính thức xuất hiện với tên gọi American Wonder. Đó là sản phẩm của kỹ sư điện Francis Houdina, vốn là một chiếc Chandler 1926 tích hợp hệ thống điều khiển bằng sóng radio. Năm 1980, bước ngoặt xuất hiện với dự án của Đại học Carnegie Mellon và AVL. Dự án đã khẳng định xe có thể tự lái được trên đường 2 làn và đạt 31 km/h. Năm 1986, xe đã có khả năng tránh chướng ngại vật và chạy cả ngày lẫn đêm vào năm 1987. Tiếp theo thành công này đã nhiều nghiên cứu khác về xe tự lái trong đó bao gồm cả những nghiên cứu về sự tương tác giữa xe với xe, giữa xe với các hệ thống đường cao tốc. Đặc biệt, vào những năm cuối thế kỷ XIX, nhờ sự phát triển vượt trội của trí tuệ nhân tạo, sự nâng cấp của công nghệ máy tính, rất nhiều hãng xe đã thực hiện các thí nghiệm để biến giấc mơ tự lái thành sự thật và coi như là một công nghệ của tương lai gần. Tại khu vực Đông Nam Á, Cùng với Singapore, Malaysia, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng trong Top đầu của cuộc đua phát triển công nghệ xe tự hành, tiếp theo đó là Indonesia, Phillipines. Ở Việt Nam, thị trường dành cho xe tự hành vẫn còn rất rộng mở. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn để có thể đưa được sản phẩm ra thị trường nhưng với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay của công nghệ tự hành, việc tham gia sớm để giành thị phần là điều cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn và với mong muốn nghiên cứu, sáng tạo ra một chiếc xe tự hành hoàn toàn của người Việt Nam, các nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia thuộc Tập đoàn Phenikaa từ các Trung tâm/Viện nghiên cứu, Trường Đại học Phenikaa và Công ty CP Phenikaa-X đã bắt tay vào nghiên cứu, làm chủ được một trong số những công nghệ xe tự hành, mẫu xe buýt điện mini thương mại tự hành cấp độ 4 đầu tiên... Tham vọng của Phenikaa không chỉ là sớm tạo dấu ấn trong thị trường xe tự hành ở Việt Nam, mà còn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh công nghệ lành mạnh trong thị trường, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cả nền công nghiệp ôtô Việt Nam. Lần đầu tiên có xe tự hành thông minh “Made-in-Vietnam” Ngày 26/3 tới đây, Tập đoàn Phenikaa cùng các tổ chức uy tín quốc tế sẽ tổ chức Hội thảo Quốc tế “Công nghệ tự hành và Giao thông thông minh” lần đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made in Vietnam” đầu tiên tại Việt Nam. Một trong những điểm nhấn tại Hội thảo là sự kiện Tập đoàn Phenikaa thông qua đơn vị thành viên là CTCP Phenikaa X sẽ giới thiệu mẫu Xe tự hành thông minh “Made-in-Vietnam” đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ xe tự lái ở cấp độ 4 dựa trên thang đo của Hiệp hội Kỹ sư xe hơi (SAE) do chính đội ngũ các nhà khoa học và các chuyên gia của Tập đoàn nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo phân loại cấp độ công nghệ tự lái của SAE thì công nghệ tự lái có 6 cấp độ (từ 0 đến 5). Ở cấp độ 4, xe tự hành có thể tự chuyển hướng, phanh hoặc tăng tốc, thậm chí tránh vật cản thông qua việc liên tục giám sát tình trạng đường. Cơ chế tự lái cấp độ 4 chỉ có thể được kích hoạt trên các cung đường ở tình trạng hoàn hảo, bảo đảm xe có thể giảm tốc và dừng đỗ an toàn khi cần.
Mẫu xe tự hành của Phenikaa Mẫu xe tự hành của Tập đoàn Phenikaa có những tính năng thông minh vượt trội, được sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến trên thế giới như bản đồ 2D/3D, cảm biến Lidar, SLAM, học máy, học sâu… Khách đến tham dự sự kiện sẽ có cơ hội chứng kiến, trải nghiệm thực tế xe tự hành trong khuôn viên Trường Đại học Phenikaa. Sự kiện lần này được kỳ vọng sẽ là “Diễn đàn đổi mới sáng tạo” - nơi các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, giao thông, thành phố thông minh, các công ty hàng đầu về xe hơi Toyota, Honda, Mazda, Công ty Xe tự hành Tier IV, Đại học Nagoya… trao đổi về công nghệ tự hành, các giải pháp cho giao thông thông minh, đô thị thông minh; chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn; thảo luận các khó khăn thách thức cũng như đưa ra nhận định về triển vọng đột phá của công nghệ tự hành cho đô thị thông minh nói riêng và cuộc sống của con người nói chung. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị giúp cơ quan Nhà nước xây dựng các chính sách phát triển ngành công nghiệp tự hành ứng dụng vào sự phát triển đô thị thông minh. Bài, ảnh: Huyền Minh
|