Bản in
Đào tạo nghề ứng yêu cầu của CMCN 4.0
Tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, các nền kinh tế trong đó có Việt Nam đều sẽ phải thay đổi phương pháp đào tạo, đưa công nghệ mới vào giảng dạy kỹ năng nghề nghiệp.

Để thực hiện tốt điều này, giáo dục nghề nghiệp cần phải mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp và nguồn nhân lực kỹ thuật trong doanh nghiệp, các đơn vị liên quan, các đối tác nước ngoài… Với những hợp tác như vậy mới có thể chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.

Nâng cao chất lượng nhân lực từ khâu đào tạo nghề

Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nghề. Nhận thức rõ được vấn đề này, thời gian gần đây, nhiều viện, trường và các cơ sở đào tạo nghề trong cả nước đã có những thay đổi phương pháp đào tạo nghề truyền thống với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ. 

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội - HCEM được thành lập từ năm 1972, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư trở thảnh trường đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước. Trải qua gần 50 năm kinh nghiệm đào tạo nghề, HCEM luôn xác định rõ chiến lược bằng việc xây dựng thương hiệu đào tạo chất lượng cao gắn với doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng đầu ra bằng nhiều hoạt động cụ thể. 

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng HCEM cho biết, đến thời điểm này trường có tất cả các ngành nghề trọng điểm nhà trường đã đầu tư đồng bộ hiện đại và những phòng này đạt chuẩn từ 3.0 đến 4.0. Rất nhiều công nghệ hiện đại như in 3D, các dây chuyền công nghiệp hoá,  Trung tâm gia công tự động hoá 100%...và tất cả các thiết bị này đều chuẩn thế giới đã giúp sinh viên nâng cao kỹ năng học tập và thực hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đặc biệt, tại các phòng học đa năng tại trường, các sinh viên năm thứ hai được hướng dẫn và làm các bài tập thực hành về PLC theo các câu lệnh. Sau đó cho chạy thử chương trình. Việc nắm rõ các câu lệnh trên phần mềm sẽ giúp các em hình dung ra những yêu cầu về các công nghệ. Điều này đặc biệt có ích khi vào thực tế trong các nhà máy lắp ráp các em sẽ biết lập trình và điều khiển cánh tay rô bốt bởi đây là mô phỏng thực tế với trang thiết bị theo chuẩn công nghiệp tạo các nhà máy.

“Bên cạnh việc học lý thuyết, thì bọn em được thực hành rất là nhiều và kĩ càng, thời gian thực hành còn nhiều hơn thời gian học lý thuyết chiếm 70% thời lượng học, thì việc thực hành nhiều sẽ giúp bọn em nâng cao tay nghề và vững tay nghề hơn trong các môn học”, bạn Nguyễn Thị Bích Thuỳ, Sinh viên HCEM chia sẻ. 

“Lúc nào cũng được trải nhiệm sẽ giúp nâng cao được tay nghề của mình khi bước ra khỏi cổng nhà trường. Trải nghiệm giúp bọn em biết được cách thức làm việc và nguyên lý hoạt động…”, em Dương Quang Hiệp, Sinh viên HCEM cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, việc thay đổi phương thức đào tạo từ truyền thống sang ứng dụng các thiết bị hiện đại trong giảng dạy không chỉ giúp sinh viên đạt được kết quả tốt trong học tập mà công việc giảng dạy của giáo viên cũng trở nên thuận tiện hơn.

Theo thầy giáo Nguyễn Trung Dũng, Giáo viên Khoa Điện, HCEM, khi chưa có thiết bị thì việc giảng dạy rất khó khăn, để giúp sinh viên được hiểu thì chỉ có thông qua thực hành, hình thành kĩ năng để sau này khi ra trường có thể đáp ứng được với công việc trong thực tế. 

Đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội hiện đại

Tại Việt Nam, lĩnh vực nghề đang phát triển rất là nhanh, tiếp cận và hội nhập quốc tế tương đối sâu. Gần đây Việt Nam đã tham gia vào các kỳ thi tay nghề của khu vực ASEAN, từng 3 lần đứng vị trí thứ nhất so với các nước đông Nam Á. Và gần lần đây nhất đứng thứ 3 trong toàn khối ASEAN, đứng thứ 5 về chứng chỉ kĩ năng nghề xuất sắc nhât thế giới.

Bức tranh chung cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, đã và đang đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn cho người lao động, để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng cho cuộc cách mạng này, không chỉ các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề trong cả nước mà các viện nghiên cứu cũng có những bước chuyển mình đáng kể.

TS. Đỗ Trần Thắng – Trưởng phòng Cơ điện tử, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, Viện luôn kết hợp với các trường ( Bách khoa, các trường về công nghệ thuộc đại học quốc gia Hà Nội…) để kết hợp trong khâu đào tạo nghề và tận dụng nguồn lao động là đối tượng sinh viên trong các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm mẫu, giúp bồi dưỡng, phát triển tiếp các kỹ năng của sinh viên.

Một trong những sản phẩm mà TS. Đỗ Trần Thắng và cộng sự ở Viện Cơ học nghiên cứu, chế tạo ra là cánh tay rô bốt 6 bậc tự do SM6, có khả năng thay thế cánh tay người trong hoạt động sản xuất. Ngoài tiềm năng ứng dụng trong doanh nghiệp, cánh tay rô bốt 6 bậc tự do SM6 còn có thể ứng dụng tốt trong hoạt động phục vụ đào tạo.

Ngoài sản phẩm trên, TS. Đỗ Trần Thắng và các cộng sự đã nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều loại rô bốt di động khác phục vụ cho hoạt động đào tạo cho sinh viên đặc biệt là đối với lĩnh vực cơ điện tử.

Nhờ nắm vững lí thuyết và được thực hành một cách bài bản, nhiều sinh viên khi ra trường, bắt đầu công việc tại các doanh nghiệp đã không cảm thấy bỡ ngỡ, có thể bắt tay ngay vào công việc đúng với chuyên môn được học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, TS. Đỗ Trần Thắng cho biết thêm.

Nhu cầu nhân lực cao đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là đã rõ. Hiệu quả từ việc thay đổi phương thức đào tạo nghề để có nguồn nhân lực cũng đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, một trong những khó khăn mà các trường nghề hiện nay gặp phải là chi phí đầu tư cho công nghệ khá cao, trong khi đa số tại các trường nghề cơ sở hạ tầng còn lạc hậu và không đồng bộ, trừ một số trường được đầu tư thành trường chất lượng cao. Kinh nghiệm từ trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho thấy, ngoài việc Nhà nước cần có thêm cơ chế chính sách để hỗ trợ, bản thân mỗi trường cần chủ động có hướng phát triển phù hợp.

Nhà nước cần phải có quy hoạch mạng lưới, cần phải quy hoạch và đầu tư cho các cái trường đặt ở các Trung tâm có nền kinh tế phát triển mạnh ở các lĩnh vực khác nhau đủ điều kiện đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên với mỗi nhà trường, quan trọng nhất phải có được sự đồng, một tầm nhìn, một tư duy chiến lược và quản trị được tất cả các rủi ro trong hành trình phát triển nhà trường, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội khẳng định. 

Bài, ảnh: PV