Bản in
Rác thải đầu mẩu thuốc lá tàn phá môi trường
Đầu mẩu thuốc lá là loại rác có hại bởi chúng bị nhiễm tới 4.000 chất hóa học, trong đó nhiều chất có độc tính cao.

Theo Đại học Cộng đồng Lansing, Michigan - Mỹ, trên toàn thế giới, mỗi năm có tới xấp xỉ 4,95 nghìn tỷ đầu mẩu thuốc lá được thải ra.  Trung tâm Bảo tồn biển - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo tồn sinh vật biển của Mỹ cho biết, trong các chiến dịch làm sạch và thu gom rác, đầu mẩu thuốc thuốc lá chiếm tới 1/5 trong tổng lượng rác thu gom và trở thành dạng rác thải phổ biến nhất trên Trái đất.

Ngoài các chất hóa học vốn có ở các đầu mẩu thuốc lá đã được hút còn phải nói đến danh sách các chất hóa học có độc tính cao ngấm vào cây và sợi thuốc lá khi trồng và chế biến như thuốc trừ sâu, vinyl clorua, cadmium, acetone, formaldehyde, benzene, hydrogen cyanide... Kể cả khi bộ lọc thuốc lá còn nguyên sơ nhất thì chúng cũng vẫn được làm bằng các sợi hóa học axetat và xenluloza, bao phủ bởi giấy hay sợi nhân tạo và được xử lý bằng keo, muối và hóa chất khác.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, xu hướng bài trừ thuốc lá, cấm hút thuốc lá trở lên mạnh mẽ, thì không gian dành cho người hút thuốc lá ngày càng bị thu hẹp. Việc hút thuốc bị nghiêm cấm ở khắp nơi và những người nghiện thuốc phải tìm một không gian khác để hút thuốc. Biển, bãi biển đang là những lựa chọn và địa điểm lý tưởng cho việc hút thuốc. Bên cạnh đó là các lề đường, bụi cỏ, công viên... như là một gạt tàn thuốc vĩ đại và tiện lợi hơn bất cứ gạt tàn thông thường nào.

Những đầu mẩu thuốc lá được vứt ở các bãi đậu xe, dọc theo những vỉa hè, lề đường, bụi cỏ, công viên... qua các cống rãnh, sông suối và cuối cùng ra biển và đại dương. Khi tiến hành đếm các mẩu thuốc lá dạt vào bờ biển ở bang California - Mỹ, những người tình nguyện đã đếm được đến 1.300.000 đầu mẩu thuốc lá trong số 3 triệu pounds (tương đương 1.360.776 kg) rác thu nhặt được dọc theo 7.100 dặm bờ biển.

Đầu mẩu thuốc lá được cấu tạo một phần bởi chất Cellulose-acetate là một chất nhựa khó phân hủy một cách tự nhiên, có chứa các hóa chất độc như cadmium, asen và chì. Trong quá trình hút thuốc, các chất này được giữ lại ở đầu lọc thuốc lá. Khi đầu mẩu thuốc lá bị bỏ đi, gió và mưa đưa chúng đến với các hệ thống nước. Các hóa chất độc hại có trong đầu mẩu thuốc lá sẽ ngấm vào hệ sinh thái thủy sinh, hòa cùng nguồn nước của đại dương, đe dọa đến chất lượng nước và sinh vật biển. Các đầu mẩu thuốc lá rải rác khắp nơi là “nguy cơ đe dọa sự sống các loài thủy sinh”. Tiếp xúc lâu dài với lượng dư các hóa chất độc từ đầu mẩu thuốc lá sẽ gây ra độc tố tập trung vào từng loài cá và độc tố càng tập trung khi cá lớn nuốt cá bé cùng với sự vận chuyển các hóa chất theo chuỗi thức ăn.

Hơn nữa, các đầu mẩu thuốc lá được làm bằng chất dẻo xenlulo axetat, khi hoạt động thì chất này giống như một ống dẫn có tác dụng dẫn kim loại vào cơ thể các động vật biển. Công trình nghiên cứu cho thấy, các đầu mẩu thuốc lá có thể hoạt động như một phương tiện truyền dẫn kim loại và khi những đầu mẩu thuốc lá này phân hủy có thể ảnh hưởng đến các sinh vật biển.

Trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu và bằng chứng rõ ràng về tác hại của đầu mẩu thuốc lá tới môi trường biển, trước hết cần nâng cao nhận thức về độc tính của đầu mẩu thuốc lá ở các vùng biển và bờ biển nhằm làm giảm nguy cơ gây độc hại đối với môi trường khu vực này. Mặt khác, cần phải xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ thuốc lá, qua đó giảm lượng đầu mẩu thuốc lá thải ra môi trường. Bên cạnh đó là giải pháp đối với các công nghệ sản xuất thuốc lá để hạn chế tối đa các chất độc hại có trong đầu mẩu thuốc lá.

Ở Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá đã được xây dựng, ban hành và triển khai trong thực tiễn như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Hệ thống những văn bản này tạo hành lang pháp lý quan trọng và là điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở nước ta. Qua đó góp phần làm giảm nhu cầu tiêu thụ thuốc lá và giảm thiểu lượng đầu mẩu thuốc lá thải ra môi trường.

PV