|
|||
Chủ đề tọa đàm là bước phát triển tiếp theo chủ đề kết nối cơ quan nhà nước – tập đoàn, doanh nghiệp – viện, trường học trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) đã thảo luận tại Diễn đàn cấp cao “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại Techfest 2020 vừa được tổ chức tại trường Đại học kinh tế Quốc dân. Diễn giả tham gia tọa đàm gồm: Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam; Ông Alex Orange – Giám đốc Cấp cao Tập đoàn Qualcomm, phụ trách Quan hệ Chính phủ, khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương. Ông có 20 năm kinh nghiệm trong việc phát triển chính sách liên quan đến viễn thông, 11 năm trong số đó có được khi làm việc với Bộ Phát triển kinh tế của New Zealand với tư cách là Kỹ sư Kế hoạch Cấp cao. TS. Tan Siang Hee – Giám đốc điều hành của CropLife châu Á, đại diện tiếng nói của ngành khoa học thực vật trên khắp lục địa và là một phần của tổ chức CropLife toàn cầu. Ông có kinh nghiệm trong việc thành lập Trung tâm Gen thuộc đại học Putra Malaysia (UPM), quản lý hai dự án khởi nghiệp phát triển phần mềm tin sinh học và xét nghiệm gen trước khi sinh, và thành lập bộ phận công nghệ sinh học cho Trung tâm Công nghệ Sime Darby cùng các vai trò khác. Điều phối viên bà Bùi Kim Thùy – Đại diện Cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN. Bà có kinh nghiệm tư vấn chính sách cho các công ty Hoa Kỳ có hoạt động kinh doanh tại ASEAN/Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng sản xuất/ chuỗi giá trị của các tập đoàn toàn cầu... Phát biểu khai mạc, Đại sứ Michael Michalak – Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean khẳng định: Đổi mới sáng tạo và đột phá về công nghệ có vai trò rất quan trọng trong tất cả các ngành và điều đó đặc biệt đúng ở Việt Nam. Ở khu vực Asean, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa đầu tư cho nghiên cứu phát triển cũng như tài trợ cho đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi sang cách làm mới, cách sống mới. “Việc ưu tiên cho đổi mới sáng tạo hôm nay là chìa khóa để chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng cho giai đoạn sau Covid-19. Việt Nam có rất nhiều thành tố để có thể trở thành một nơi thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, hệ thống giáo dục tốt và đã liên tục huy động thu hút được nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, hơn nữa Việt Nam cũng có vai trò quan trọng và uy tín cao trong việc thúc đẩy khoa học và công nghệ đặc biệt là toán cũng như chuyên ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp và sinh học”, Đại sứ Michael Michalak nhấn mạnh. Đại sứ Michael Michalak cho biết thêm: Đổi mới sáng tạo đang chuyển dịch dần sang khu vực Châu Á. Trong những năm vừa qua, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Philippin đã trở thành những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất về xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành trung tâm thu hút đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp sáng tạo và thu hút nhiều nguồn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư …. Các nhà đầu tư đã cam kết đầu tư 815 triệu đô la cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2019 các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã huy động được 246 triệu đô la trong các ngành như: Fintech, thương mại điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì khống chế được Covid-19 đồng thời chuyển dịch về cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới thì sẽ phát huy được vị thế của mình. Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Việt Nam hiện có hơn 1400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Những con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào sự phát triển hệ sinh thái. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới (theo đánh giá của Startup Blink năm 2020), tính riêng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang năm trong top 20- 25 hệ sinh thái hàng đầu. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) đều dược cải thiện và đứng thứ hạng cao trong số các nước phát triển. Với môi trường, thể chế, kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Bước sang giai đoạn mới, hệ sinh thái cần phát triển thêm một bước với việc tập trung nguồn lực tạo dựng những trụ cột nâng đỡ, thúc đẩy liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khu vực và quốc gia. Việc hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và trong các doanh nghiệp là chính sách hướng đến việc thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết viện – trường - doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai. Để thực hiện chính sách này một cách có hiệu quả không thể thiếu vai trò trung tâm của cộng đồng quốc tế, đó là các tổ chức, hiệp hội, tập đoàn và những cá nhân nhiệt huyết, tài năng người Việt khắp nơi trên thế giới, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định. Tại buổi tọa đàm này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các ý tưởng, các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nguồn lực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế, thúc đẩy sự sáng tạo từ con người và vì con người, tập trung vào sự phát triển hệ sinh thái theo chiều sâu và tạo nguồn Startup dựa trên công nghệ để phát triển nhanh và bền vững theo hướng thúc đẩy thành lập các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tư vấn khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, cao đẳng; kết nối nguồn lực trong và ngoài nước để khai thác nguồn lực trí tuệ của Việt Nam’ triển khai các sáng kiến hoạt động kết nối như xây dựng nền tảng sáng tạo mở, hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, tập đoàn quốc tế trong triển khai các sáng kiến, hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, địa phương và tại các trường đại học, cao đẳng. Với các nội dung thảo luận chính như: Chủ trương, chính sách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn mới; Phát triển hệ sinh thái KNST theo chiều sâu và tạo nguồn startup dựa trên công nghệ để phát triển nhanh và bền vững: thúc đẩy thành lập các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tư vấn KNST tại các trường đại học, cao đẳng; kết nối nguồn lực trong và ngoài nước để khai thác nguồn lực trí tuệ trẻ của Việt Nam; Tăng cường vai trò của các tập đoàn trong hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, đặt hàng, tiêu thụ sản phẩm KNST (chương trình huấn luyện của Shinhan's Future Lab); Triển khai các sáng kiến hoạt động kết nối như xây dựng nền tảng sáng tạo mở (hợp tác với đối tác Singapore), cuộc thi thử thách cùng các tập đoàn (hợp tác với tập đoàn Qualcom), Techfest 247 và Techfest quốc tế; Hoạt động xây dựng hệ sinh thái KNST tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam: nguồn lực hiện có và định hướng phát triển; Tiềm năng phát triển startup dựa trên công nghệ trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Thông qua đó, Việt Nam mong muốn hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật từ các tập đoàn quốc tế trong triển khai các sáng kiến, hoạt động xây dựng hệ sinh thái quốc gia và xây dựng hệ sinh thái tại các trường đại học, cao đẳng.
|