Bản in
Cuộc chiến chống khói thuốc lá trên toàn cầu
Những năm qua khói thuốc lá đã cướp đi sinh mạng nhiều người, trong đó có cả những người hút trực tiếp và hút thuốc lá thụ động. Các quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp và hành động quyết liệt chống lại nguy cơ bệnh tật cho con người và ô nhiễm môi trường từ thuốc lá.

Hút thuốc lá là tác nhân gây ra cái chết cho khoảng 6 triệu người mỗi năm. Theo một dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên trái đất, với 10 triệu người mỗi năm. Từ nhiều thập kỷ trước, ngay khi nhận ra tác hại của khói thuốc lá, nhiều quốc gia đã mạnh tay kiểm soát việc sử dụng sản phẩm này.

Tổ chức y tế thế giới cho biết, mỗi năm khói thuốc lá "giết" hơn 8 triệu người, trong đó một triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Ước tính 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động. 

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Người hút có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so với người bình thường, cứ 5 người hút thuốc thì có một người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khó chữa trị. 

Năm 1987, Anh thông qua Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng trong việc đóng gói và dán nhãn thuốc lá. Quốc gia này tiếp tục thông qua các luật khác trong nhiều năm như cấm quảng cáo và quảng bá sản phẩm thuốc lá. Ở Mỹ, sau khi có báo cáo tổng hợp liên quan đến tác hại thuốc lá được công bố năm 1964, luật liên bang về dán nhãn và quảng cáo sản phẩm đã được ban hành một năm sau đó. Đến 2016, Mỹ đã thông qua nhiều luật khác, sửa đổi và bổ sung một số quy định như là một phần trong chiến lược kiểm soát thuốc lá. Hiện nay, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, số người hút thuốc lá của nước này giảm còn 14%.

Trong những năm qua nhiều chiến dịch truyền thông về tác hại của khói thuốc lá do Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá có kết quả tích cực. Năm 2018, 60% số người được hỏi cho biết, họ nghe hoặc nhìn thấy các thông tin về hiểm họa của thuốc lá đối với sức khỏe trên các phương tiện truyền thông, 83% người hút lo lắng cho sức khỏe người thân trong gia đình.

Để chuyển tải thông tin về tác hại của thuốc lá đến với cộng đồng, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, tổ chức chính trị xã hội truyền thông trên nhiều kênh, với hình thức đa dạng; buổi giao lưu, truyền thông trực tiếp, cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về tác hại do thuốc lá gây ra. 

Đơn vị cũng truyền thông về quy định cấm hút thuốc trong nhà hàng để thực hiện tốt môi trường không khói thuốc qua nhiều hình thức như xây dựng, phổ biến các video, viết, đăng bài trên Fanpage, Instagram của trang Foody (ứng dụng phần mềm đặt chỗ tại các nhà hàng).

PV