Bản in
Liên kết Doanh nghiệp và Trường học để có nguồn nhân lực AI giỏi
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - một mũi nhọn được dự báo sẽ trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới. Tuy nhiên, nhu cầu nhiều nhưng không tìm ra nhân lực là chia sẻ chung của nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát triển AI.

Công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới

Phát triển nguồn nhân lực AI là vấn đề nóng được nhiều nhà quản lý, chuyên gia đưa ra thảo luận, chia sẻ tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2020 được tổ chức tại TPHCM mới đây. Theo dự đoán, tùy vào mức độ ứng dụng công nghệ, từ năm 2016-2030 sẽ có từ 10-800 triệu người mất việc làm do tự động hóa và ứng dụng AI. Tuy nhiên, cùng thời kỳ đó cũng sẽ tạo ra nhu cầu hơn 1 tỷ nhân lực chất lượng cao, với những yêu cầu hoàn toàn mới. Theo thống kê, có khoảng 30% các hoạt động trong 60% các ngành nghề có thể được tự động hóa, từ thợ hàn đến các nhà môi giới hay các CEO sẽ phải làm việc cùng với máy móc. 

Ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu mới đang trở thành thách thức lớn và đặc biệt cấp thiết đối với những nền giáo dục còn nhiều bất cập, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội, sự phối hợp đồng bộ từ phía chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ và đầu tư cho đào tạo nhân lực trong hệ thống giáo dục cũng như tại nơi làm việc...

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ AI - một mũi nhọn được dự báo sẽ trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.

Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định AI là công nghệ đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu, được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó, tập trung nguồn lực cho phát triển AI. Bộ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” (KC4.0/19-25); đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ AI, tạo mối liên kết giữa các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng AI.

Gần đây rất nhiều hội thảo, hội nghị khoa học đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chính phủ, các bộ, ngành, với sự tham gia của các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế. Qua đó, Lãnh đạo Chính phủ đã đưa ra quan điểm về việc đẩy mạnh triển khai AI, coi AI là một công nghệ cho mục đích tổng thể, là công nghệ “nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia ; phát triển AI là hướng đến một xã hội an toàn và văn minh, đưa kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển; AI có khả năng trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia theo mô hình của thế giới, với những thể chế vượt trội và cạnh tranh, dự kiến Trung tâm sẽ khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào cuối năm 2019 với mục tiêu phát triển thành công những ý tưởng công nghệ sáng tạo mang tính đột phá của người Việt, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn hỗ trợ khơi thông nguồn vốn cho AI qua các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế như sự kiện Vietnam Venture Summit (tháng 6/2019); dự kiến thành lập quỹ Global Fund nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đưa tri thức Việt Nam ra thế giới; kết nối 18 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước cam kết đầu tư 425 triệu USD cho các startup của Việt Nam trong 3 năm tới; đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực với sự kiện thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ và cộng đồng AI (năm 2018).

Bên cạnh những nỗ lực của Nhà nước, AI đã và đang được các tập đoàn, công ty như FPT, Viettel nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực (y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử...). Năm 2019, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập và tuyển sinh trình độ đại học ngành AI (điểm xét tuyển trên 27) với số lượng giới hạn để đảm bảo nguồn nhân lực AI được đào tạo chất lượng, bài bản, hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc đào tạo chuyên gia về AI tại Việt Nam. Ngoài ra còn phải kể đến sự kiện ra mắt Liên hiệp các cộng đồng AI Việt Nam với đông đảo các thành viên (Câu lạc bộ khoa - trường - viện công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam FISU; Cộng đồng nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI4Life; Cộng đồng chuyển đổi số - Digital Transformation; Cộng đồng Machine Learning cơ bản; Cộng đồng Google Developer; Cộng đồng Business Intelligence; Cộng đồng VietAI - trí tuệ nhân tạo Việt...) đánh dấu một bước phát triển mới của hệ sinh thái AI tại Việt Nam.

Bổ sung nhân lực bằng cách liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp qua các mô hình đào tạo sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng bổ sung nhân lực trong lĩnh vực AI. Tại Việt Nam các mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học đang phát huy hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng, nhân lực trong lĩnh vực AI yếu và thiếu là một thực tế vì để có một kỹ sư giỏi không chỉ đòi hỏi việc đào tạo kiến thức nền tảng khi còn ngồi trên giảng đường đại học mà cần được rèn luyện qua giải các bài toán thực tế. Vì vậy việc thành lập các mô hình liên kết sẽ giúp nhanh chóng cho "ra lò" những kỹ sư AI vững tay nghề là cần thiết. Thực tế một số trường đại học đã đi đầu trong việc áp dụng mô hình này.

Việc doanh nghiệp đặt hàng chính các trường đại học để đào tạo nhân lực AI sẽ giúp các bạn sinh viên sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào việc, không bị hàn lâm, bỡ ngỡ. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đặt các "đề bài" là các dự án, trường đại học sẽ nghiên cứu để rút ra các kỹ năng cần thiết giải quyết từng chủ đề đó, từ đó mới thiết kế bài giảng. Bài học thành công của FPT khi đặt hành từ nhu cầu doanh nghiệp. Cách đây hai năm, FPT đã làm việc với Đại học trực tuyến FUNiX trong việc xây dựng học liệu và đã thu được kết quả rất khả quan. 

Ông Vũ Hồng Việt nói về mô hình đào tạo nhân lực AI kết hợp doanh nghiệp và trường đại học.

Chia sẻ tại sự kiện ông Vũ Hồng Việt, Trung tâm AI Quy Nhơn, FPT Software (đơn vị thành viên của FPT) cho biết, từ nhiều năm nay, FPT tiên phong đào tạo AI cũng như hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để cùng xây dựng nguồn nhân lực AI chất lượng cao cho Việt Nam. Năm 2018, Đại học FPT mở chuyên ngành đào tạo AI, đến nay đã và đang đào tạo được hơn 600 sinh viên. Năm 2019, FPT thành lập Đại học phân hiệu AI tại Quy Nhơn với quy mô lên đến 5.200 sinh viên. Vừa qua, FPT đã trở thành đối tác chiến lược của Viện Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới – Mila, mang lại cơ hội cọ xát, nâng cao năng lực công nghệ với tầm vóc quốc tế…

Mới đây, FPT Software đã thành lập Trung tâm AI Quy Nhơn để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các bài toán AI thực tế doanh nghiệp, tiên phong triển khai khoa học công nghệ để góp phần đưa Quy Nhơn thành Trung tâm AI của Việt Nam và châu Á trong tương lai. AICamp là chương trình đào tạo, tuyển dụng đặc biệt trong mảng trí tuệ nhân tạo (AI). Ứng viên được chọn vào chương trình này là những sinh viên có thành tích giỏi và xuất sắc, đạt các giải thưởng về học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ các trường đại học khu vực Nam bộ và miền Trung – Tây Nguyên. Khi gia nhập chương trình, ứng viên sẽ được đào tạo, trải nghiệm và tham gia các dự án Data/AI thực tiễn với các đối tác hàng đầu của FPT.

Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS Huỳnh Thị Thanh Bình cho biết, ngoài việc lên chương trình đào tạo sát với yêu cầu thực tế, Trường đã phối hợp với các tập đoàn lớn để xây dựng chương trình đào tạo, mời các giáo sư nước ngoài về giảng dạy. Còn ở Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM, ông Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Khoa học Máy tính cho biết, trường ông đang duy trì mô hình khá hiệu quả. Đó là doanh nghiệp đặt phòng thí nghiệm ngay tại trường. Đã có 2 phòng thí nghiệm do doanh nghiệp đầu tư đặt tại Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM. Tại đây, sinh viên và giảng viên có thể tham gia trực tiếp các dự án của doanh nghiệp mà không mất nhiều thời gian di chuyển. Các sinh viên có cơ hội trải nghiệm tác phong làm việc như đang ở môi trường của doanh nghiệp, sẽ được rèn luyện kỹ năng thực tế tốt hơn.

Những mô hình đào tạo theo cách này cũng là gợi ý được GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu. Ông cho rằng, việc các trường kết hợp với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội rèn thực tế để nâng cao kỹ năng là một mô hình hiệu quả. Mô hình có thể phát triển mạnh hơn có thể lấp đầy khoảng trống nhân lực.

Bài, ảnh: Minh Châu