Bản in
Phát triển công nghiệp vật liệu là chìa khóa để có nền kinh tế tự chủ
Vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao có thể coi là chìa khóa cho sự phát triển công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, y học, quốc phòng, an ninh, công nghệ thông tin, truyền thông,... Có thể khẳng định việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là nền tảng cơ bản nhất để làm chủ sản xuất công nghiệp.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức sáng 25/11, tại Hà Nội.

Khoa học và công nghệ phải đi trước, mở đường

Hội thảo là cơ hội để đại diện các bộ ngành, các tổ chức, các nhà khoa học trong lĩnh vực vật liệu trao đổi, thảo luận, làm rõ các luận cứ cần thiết nhằm mục đích định hướng sự phát triển Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu phục vụ cho Đề án “Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.

Các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng ngành công nghiệp vật liệu có vai trò rất quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, các loại vật liệu sản xuất trong nước chưa thực sự trở thành nguồn nguyên vật liệu đầu vào chính cho các ngành công nghiệp sản xuất, cũng như chưa đáp ứng được các mục đích sử dụng khác cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay Đảng ta chưa có một nghị quyết hoặc kết luận tổng thể lãnh đạo về phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Trước yêu cầu phát triển công nghiệp quốc gia cho giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận và tư duy mới về phát triển công nghiệp vật liệu.

Từ đó, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để trình Bộ Chính trị ban hành các quyết sách lãnh đạo phát triển ngành công nghiệp vật liệu đất nước trong thời gian tới.

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Phát triển công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với một đất nước đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo ông Cao Đức Phát: Chúng ta không thể nhập khẩu hết nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Như vậy, giá thành các sản phẩm của nước ta sẽ cao hơn đối thủ cạnh tranh hoặc sẽ biến đất nước thành quốc gia gia công, làm thuê. Đặc biệt, khi thị trường thế giới có biến động như những gì đang diễn ra từ khi có đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu gặp khó khăn cũng như nhiều ngành gặp khó khăn.

“Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng và rẻ hơn so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước hết cần có quyết tâm chính trị cao và rõ ràng khoa học và công nghệ phải đi trước, mở đường” - ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Cần tạo đột phá trong phát triển ngành công nghiệp vật liệu

GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần phải có những bước phát triển đột phá về công nghiệp. Trong đó, một trong những nhiệm vụ then chốt là phải phát triển được ngành công nghiệp vật liệu vì ngành này là một lợi thế phát triển của nước ta, có vai trò rất quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc gia, góp phần bảo đảm xây dựng được một nền công nghiệp độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã đề ra tại các nghị quyết của Đảng.

Nhấn mạnh việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là nền tảng cơ bản nhất để làm chủ sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đều tập trung nguồn lực để phát triển các vật liệu có giá trị chiến lược nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, đối với các quốc gia trên thế giới, công nghiệp vật liệu có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản lượng, chủng loại và chất lượng vật liệu tiêu thụ phản ánh sức mạnh của nền kinh tế và trình độ công nghệ của quốc gia. Tại Việt Nam, nhu cầu vật liệu cho sản xuất phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao, trong khi đó, năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế. Do đó, phát triển ngành công nghiệp vật liệu càng là một đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là một trong bốn công nghệ cao được ưu tiên. Từ năm 2001 đến nay, Bộ KH&CN đã bố trí riêng 01 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vật liệu cũng đã được ưu tiên lồng ghép trong các Chương trình KH&CN cấp quốc gia khác. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu, cập nhật được các công nghệ mới, tiên tiến của các nước phát triển. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều chủng loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong nước với chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng một phần nhu cầu của các ngành sản xuất và góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh.

Theo ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghiệp vật liệu là ngành có tính nền tảng, tạo ra các nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất của quốc gia, tác động trực tiếp đến sự phát triển các ngành kinh tế khác. Trong đó, Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là khâu then chốt để thúc đẩy phát triển công nghiệp vật liệu.

Dẫn kinh nghiệm của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn coi trọng phát triển công nghiệp vật liệu, ông Nguyễn Đình Hậu đề xuất Đảng, Nhà nước cần khẩn trương ban hành Chiến lược quốc gia phát triển công nghiệp vật liệu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây sẽ là kim chỉ nam, là cơ sở hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp vật liệu.

Đồng thời tiếp tục dành sự ưu tiên trong phát triển KH&CN nói chung, KH&CN lĩnh vực vật liệu nói riêng, coi đây là khâu then chốt để phát triển công nghiệp vật liệu; nghiên cứu làm chủ công nghệ, tạo ra các chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất vật liệu; tăng cường tiềm lực KH&CN cho các tổ chức, doanh nghiệp…

Bài, ảnh: PV