Bản in
Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần nâng cao nhận thức từ nhiều phía
Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng hơn 1,4 tỷ người (trong đó Việt Nam có 15,3 triệu người) hút thuốc lá, hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2015. Sau hơn 4 năm đi vào cuộc sống, việc triển khai luật phải đối mặt với nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá và chưa biết nhiều thông tin về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các hãng sản xuất và phân phối thuốc lá tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành y tế chưa có đơn vị thanh tra chuyên trách đảm bảo việc xử phạt diễn ra triệt để, kịp thời. Vì vậy, việc hút thuốc tại những nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả khuôn viên, nhưng thực tế, tại các trung tâm y tế, bệnh viện vẫn có rất nhiều người “tự nhiên” hút thuốc… Còn đối với các điểm công cộng như bến xe, nhà ga thì tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra. Tuy nhiên, việc xử phạt người vi phạm vẫn chưa thực hiện được. Trong trường hợp có người hút thuốc, nhân viên tại bến xe, nhà ga chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt.

Mặc dù đã được hiện thực hóa thành luật nhưng để triển khai được luật trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập vì việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất phổ biến, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt. Người có thẩm quyền xử phạt ít trong khi người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng. Lực lượng xử lý theo luật chỉ có một số chức danh như Thanh tra Sở Y tế, công an, quản lý thị trường. Về phía địa phương, chỉ có chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt.

Trong lĩnh vực phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, nâng cao nhận thức vừa là giải pháp, lại vừa là mục đích. Nâng cao nhận thức cần được tính đến trong một tổng thể, hướng tới các đối tượng, từ những người dân không sử dụng thuốc lá, những người trực tiếp sử dụng thuốc lá cho đến những người có thẩm quyền trong công tác PCTH của thuốc lá. Mỗi nhóm đối tượng, cần cách thức và mức độ tác động khác nhau, cụ thể:

Một là, các chủ thể mang quyền lực nhà nước trong công tác PCTH của thuốc lá luôn cần nhận thức và thực hiện trách nhiệm công vụ trong sự ràng buộc với trách nhiệm pháp lý cá nhân. Ở góc độ quyền con người được sống trong môi trường không có khói thuốc lá, trách nhiệm của Nhà nước chủ yếu là trách nhiệm chủ động. Trách nhiệm này sẽ bao gồm hàng loạt các hành động nhằm bảo vệ, bảo đảm cho người dân không phải sống trong một môi trường có khói thuốc lá, từ việc quản lý, tuyên truyền phổ biến, phòng chống thuốc lá nhập lậu, tổ chức cai nghiện thuốc lá đến xử lý các vi phạm. Với đặc tính chủ động đó, việc Nhà nước lạm quyền hoặc không thực hiện hết các nghĩa vụ là điều có thể xảy ra. Trách nhiệm pháp lý khi đó sẽ là một đảm bảo quan trọng đối với trách nhiệm công vụ của chủ thể có thẩm quyền.

Cơ sở quan trọng nhất để ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể có thẩm quyền chính là pháp luật và một cơ chế giám sát trách nhiệm công vụ hữu hiệu từ phía nhân dân và các tổ chức xã hội dân sự. Việc bổ sung rõ ràng, đồng bộ trách nhiệm pháp lý cho tất cả các chủ thể có trách nhiệm trong công tác PCTH của thuốc lá là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhận thức về trách nhiệm nhà nước chưa thực sự được toàn diện.

Ngoài ra, cần vận hành một cơ chế giám sát chặt chẽ từ phía nhân dân và các tổ chức xã hội dân sự đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước trong công tác PCTH của thuốc lá. Sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự ở góc độ giám sát quyền lực nhà nước sẽ mang lại hiệu quả bền vững cùng với việc các tổ chức này trực tiếp tham gia thực hiện các hoạt động PCTH của thuốc lá.

Hai là, các cá nhân không sử dụng thuốc lá cần phải nhận thức được quyền và có hành xử phù hợp để góp phần bảo vệ quyền được sống trong môi trường không có khói thuốc của mình và của những người xung quanh. Với nhóm chủ thể này, nhận thức được quyền và mối tương quan giữa quyền của họ với trách nhiệm của Nhà nước là yêu cầu quan trọng. Nhận thức này là cơ sở để họ có những phản ứng hoặc có hành vi nhất định nhằm bảo vệ bản thân và những người xung quanh không phải hút thuốc lá thụ động, cùng với việc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các nghĩa vụ cần thiết để đáp ứng quyền của họ.

Để người dân có được nhận thức này, công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin về tác hại của thuốc lá, về các ảnh hưởng của thuốc lá đối với bản thân họ, với những người trực tiếp sử dụng thuốc lá là rất cần thiết, qua đó giúp người không sử dụng thuốc lá không có thái độ thờ ơ vì quan niệm rằng, thuốc lá chỉ có hại với những ai trực tiếp sử dụng. Việc thông tin cần đa dạng, chi tiết, thường xuyên để nhân dân dễ nhận biết, dễ liên hệ với tình trạng sức khỏe bản thân trước những tác hại cụ thể của hút thuốc lá thụ động.

Các quy định về nghĩa vụ của người sử dụng thuốc lá, về các địa điểm cấm hút thuốc lá, về việc quảng cáo, bán thuốc lá... cũng cần phải được tuyên truyền thường xuyên, để người dân nắm được, hiểu được, từ đó định hình được các quyền lợi cụ thể của mình trong các mối quan hệ xã hội liên quan đến người sử dụng, mua bán, quảng cáo thuốc lá, PCTH của thuốc lá.

Cùng với đó, cũng cần phải phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong từng lĩnh vực của công tác PCTH của thuốc lá để người dân có thể nhận biết, giám sát hoặc kiến nghị khi cần thiết.

Các cá nhân sử dụng thuốc lá phải nhận thức được: quyền sử dụng thuốc lá của mình là một quyền bị giới hạn bởi các tiêu chuẩn về sức khỏe của những người xung quanh và cộng đồng xã hội. Sử dụng thuốc lá là hành vi không bị pháp luật cấm, nhưng bị pháp luật hạn chế nhằm bảo vệ sức khỏe của những người không sử dụng thuốc lá và cộng đồng xã hội. Thực tiễn chứng minh, người sử dụng thuốc lá có được nhận thức này đa phần từ các quy định của pháp luật, từ hành động PCTH của thuốc lá của các chủ thể mang quyền lực nhà nước. Do vậy, nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc lá để có thể bảo vệ được quyền lợi của những người xung quanh là bắt buộc và là trọng trách to lớn của Nhà nước. Các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của người sử dụng thuốc lá cần được phổ biến công khai, thường xuyên, để có thể trở thành thói quen mỗi khi họ sử dụng thuốc lá.

Nhà nước cũng cần tập trung tuyên truyền, giáo dục ý thức cho nhân dân nói chung và trực tiếp những người sử dụng thuốc lá các thông tin về tác hại của thuốc lá đối với người sử dụng và đối với những người thân xung quanh họ. Các thông tin về tác hại và số lượng người chết, loại bệnh tật phát sinh do hút thuốc lá cần cập nhật, đa dạng, có minh chứng khoa học và thực tế rõ ràng. Biểu hiện những tác động, ảnh hưởng của thuốc lá ở từng giai đoạn đối với sức khỏe của người sử dụng cũng cần được thông tin rõ bằng lời và bằng hình ảnh để làm gia tăng khả năng giáo dục và mức độ cảnh báo, sao cho người sử dụng có thể nhận biết được, lường định được mình đang ở giai đoạn, trạng thái nào của nguy cơ. Thiết nghĩ, điều đó sẽ có tác động không nhỏ đến quyết định có tiếp tục hút hay không hút thuốc lá.

Một giải pháp chung cũng không thể không nhắc đến, đó là cần tăng cường công tác giáo dục gia đình, nâng cao ý thức của chính các thành viên gia đình đối với việc PCTH của thuốc lá. Các trẻ em vị thành niên cần phải được định hướng, cần phải có các tấm gương từ chính các thành viên khác trong gia đình về ý thức phòng tránh tác hại của thuốc lá cho chính bản thân mình, cho người thân và cho cả cộng đồng xã hội./.

Đăng Minh