Bản in
Ứng dụng KH&CN tăng giá trị ngành nông nghiệp
Cùng với sự hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn để khai thác lợi thế địa phương, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã ngày càng được chú trọng hơn, từ đó tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, thực trạng ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.

Tháo gỡ rào cản trong áp dụng KH&CN

Trong vài năm trở lại đây, nông nghiệp đang nổi lên là nhóm ngành tăng trưởng mạnh về xuất khẩu. Mặc dù đại dịch COVID-19 hoành hành nhưng 9 tháng năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trị giá xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Phải khẳng định, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả rất nổi bật, tuy nhiên xét một cách tổng thể, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, manh mún, thương hiệu của nông sản Việt vẫn chưa thực sự tạo được sự chú ý trên thị trường thế giới,…

Chia sẻ tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, tại xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết, bên cạnh “yếu tố sống còn” với người nông dân là vốn đầu tư thì việc ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp là vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng, tràn ngập thông tin, việc tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng, lai tạo, ghép giống… rất dễ dàng, thậm chí  đang bị “ngộ độc” vì quá nhiều thông tin. Nhưng thực tế cho thấy, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại không đơn giản với những nông dân "dám" khởi nghiệp. Bởi họ không biết nên học của ai, học từ đâu, trình độ có đủ để tiếp cận và học hỏi không.

"Vì vậy, vai trò định hướng của Nhà nước, nhà khoa học để KH&CN phù hợp với trình độ chuyên môn và phù hợp với nhận thức, phù hợp với mô hình, loại hình nông nghiệp - nghĩa là phù hợp trong điều kiện thực tế sản xuất cho bà con nông dân rất quan trọng…"- ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác chế biến, vận chuyển chưa đáp ứng được yêu cầu để nâng cao giá trị sản phẩm, các đại biểu cho rằng một rào cản nữa đang khiến việc áp dụng KH&CN của doanh nghiệp (DN) và nông dân gặp khó khăn là thiếu nguồn vốn đầu tư. Có một thực tế, DN nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ nên tốc độ đổi mới công nghệ rất chậm.

Tại Diễn đàn, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) thông tin: Các ngân hàng thương mại đang dư thừa vốn cho vay và rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Vướng mắc nhất hiện nay, theo đại diện Agribank, mặc dù NHNN đã ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc, quy chế thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng vẫn chưa cụ thể và còn nhiều bất cập khi thực hiện.

"Nhìn chung, ngành ngân hàng đối diện với việc cho vay tín chấp vẫn còn nhiều vướng mắc dù cơ chế chính sách đã mở. Agribank rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỷ dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay thế chấp được thì ngoài vấn đề tài sản tín chấp, phương án sản xuất phải thực sự khả thi…"- ông Vượng khẳng định.

Trước câu hỏi của đại diện nông dân về việc làm thế nào để các tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lồng .. trở thành tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, Nghị định 116 cho phép các DN, nông dân được sử dụng các tài sản đầu tư từ vốn vay thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, tài sản này phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của địa phương, từ đó làm đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn. “Đây cũng là vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực công nghệ cao..”.

Cần có chính sách KH&CN đối với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

GS.TS Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, cho biết, Việt Nam là nước có điều kiện thiên nhiên ưu đãi và có nhiều mặt hàng nông sản được người nước ngoài ưa chuộng nhưng những năm trước đây các doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất thật nhiều mà chưa quan tâm đến việc sản phẩm làm ra bán cho thị trường nào, bao bì mẫu mã ra sao nên những ưu điểm đó đã không thể phát huy được, các doanh nghiệp không thể tập trung diện tích đất lớn để ứng dụng khoa học công nghệ toàn diện, đạt năng suất, hiệu quả cao nhất.

Ông Bình cho biết, trên thực tế, Bộ KH&CN quan tâm hỗ trợ cho các địa phương thông qua việc triển khai một số nhiệm vụ KH&CN theo đề xuất từ địa phương, đồng thời các cơ quan Trung ương cũng đề xuất nhiều nội dung nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (Các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN quốc gia).

Cần có chính sách KH&CN đối với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Cũng theo ông Bình, bài toán cần giải ở đây đang đặt ra là cần phải tiếp cận theo hướng xem xét, lựa chọn và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương rất cần sự vào cuộc đồng bộ cả từ Trung ương đến địa phương trong việc xác định đầu tư phát triển sản phẩm. Yếu tố KH&CN đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến tất cả các khâu trong từng sản phẩm và cần phải được đi trước một bước.

Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN để phát triển một số sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương có ý nghĩa rất lớn, nó sẽ tạo ra được sản phẩm được khẳng định từ vai trò của KH&CN, trực tiếp tạo ra giá trị và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Ông Bình kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống các cơ chế, chính sách KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bao gồm các Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp/ người dân đầu tư trực tiếp hoặc liên kết tổ chức, cá nhân để nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Ưu tiên đầu tư, triển khai cơ chế, chính sách đồng bộ, theo chuỗi giá trị của sản phẩm nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia, sản phẩm truyền thống, đặc sản, ứng dụng KH&CN mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phục vụ xuất khẩu.

Tập trung đầu tư, hỗ trợ chính sách KH&CN đối với một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, mang lại hiệu quả cao thông qua các hoạt động như: xây dựng trang trại thông minh, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, công tác dồn điền đổi thửa trong nông nghiệp; sáp nhập, hợp tác liên kết, liên doanh trong phát triển các sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp...

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao trong doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao năng lực tiếp thu tiến bộ KH&CN, quản lý tổ chức phát triển mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu quả cao. Ứng dụng, phát triển công nghệ tạo chuyển biến nhanh trong sản xuất, để tạo ra chuỗi sản xuất vừa đảm bảo giá trị cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất.

Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt với các thị trường mới có tiềm năng và giá trị gia tăng cao.

Đẩy mạnh việc bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù, thế mạnh, chủ lực của địa phương, giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, thành lập doanh nghiệp KH&CN, liên kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Bài, ảnh: PV