|
|||
Hạ tầng số và công nghệ số thể hiện rõ vai trò kết nối Tới dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, bao gồm: ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đinh Sỹ Nguyên - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và đông đảo đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế và các diễn giả, đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế, các nhà tài trợ và đại diện của các cơ quan truyền hình, thông tấn báo chí. Hội thảo là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về định hướng, các giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh. Từ đó, hoàn thiện khung kế hoạch, hệ thống pháp lý, nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị. Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam đang hướng đến mục tiêu rất rõ ràng, đó là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân từ nhu cầu đơn giản nhất cho đến cao cấp hơn trong tất cả các lĩnh vực, làm sao cho cuộc sống thuận tiện hơn, giảm ách tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn. Năm 2020, khi các quốc gia khác chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 thì ở Việt Nam, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ số, hạ tầng viễn thông đã đóng góp tích cực trong việc phòng, chống dịch cũng như giúp người dân có cuộc sống bình thường trong cả giai đoạn giãn cách xã hội và sau đó. Sau nhiều năm nỗ lực đưa vào triển khai chuyển đổi số, triển khai họp trực tuyến, học trực tuyến rất khó khăn, tuy nhiên chỉ trong vòng 2 tháng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, toàn bộ học sinh, sinh viên trên toàn quốc đã triển khai học trực tuyến. Điều này thể hiện sự phát triển rõ rệt của hạ tầng viễn thông của Việt Nam cũng như ứng dụng các nền tảng công nghệ số tại Việt Nam. Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển công nghệ số giúp cho chúng ta phát triển không chỉ riêng khu vực đô thị mà còn phát triển khu vực nông thôn một cách thông minh hơn. Ở Việt Nam có khái niệm đô thị thông minh, làng thông minh, nghĩa là công nghệ thông tin không chỉ ứng dụng vào khu vực hiện đại nhất mà còn ứng dụng được vào các khu vực kể cả vùng sâu, vùng xa. Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong 2 tuần vừa qua, Việt Nam đang trải qua giai đoạn rất khó khăn khi các tỉnh miền Trung sau khi vừa trải qua đợt dịch Covid-19 thì nay lại phải đối mặt với lũ lụt, nhiều gia đình phải di tản và mất sạch nhà cửa. Hiện tại thì công nghệ thông tin đang đóng góp cho công việc liên quan đến hỗ trợ, cứu trợ. Các địa chỉ, các hộ gia đình bị ảnh hưởng của lũ lụt được đưa lên bản đồ số Việt Nam, thông qua đó làm cho công việc cứu trợ thuận lợi hơn… Phát triển nền tảng công nghệ - yếu tố cốt lõi Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Tích hợp Hệ thống (VNPT SI) đã trình bày nghiên cứu về một số nền tảng và ứng dụng thúc đẩy chuyển đổi trong đô thị thông minh tại Việt Nam. TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định, việc xây dựng đô thị thông minh không thể tách khỏi chính quyền số, bởi đây là lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống của từng người dân. Trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ trong phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ đó là hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành và cung cấp các dịch vụ công.
Toàn cảnh Hội thảo Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng chính quyền số thông qua việc gửi nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia. Các báo cáo giấy cũng được chuyển dần sang báo cáo điện tử dựa trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng Dịch vụ công cấp bộ, tỉnh sẽ phát huy kết quả mạnh mẽ hơn khi kết nối với cổng Dịch vụ công cấp quốc gia. Ông Nguyễn Đức Kiên đề cập đến 5 yếu tố chính quyền số, bao gồm trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo của bộ ngành địa phương, hệ thống thông tin một cửa kết nối, và cuối cùng là Cổng dịch vụ Công quốc gia. Theo các chuyên gia, cùng với Chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, công ty khởi nghiệp và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới các giải pháp thành phố thông minh để tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng. Các chuyên gia cũng lưu ý xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số đô thị và thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị, mà phải từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm bốn khía cạnh chính: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách, và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ. Tại hội thảo, các diễn giả trong và ngoài nước đã trình bày tham luận liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) & IoT trong xây dựng thành phố thông minh (Qualcomm); Hạ tầng số - Xương sống trong phát triển đô thị thông minh (McKinsey); Một số nền tảng và ứng dụng thúc đẩy chuyển đổi số trong đô thị thông minh tại Việt Nam (VNPT); Xây dựng đô thị thông minh với công nghệ điện toán đám mây (Amazon Web Services); Giải pháp IoT toàn diện thông minh (Bosch); Thiết lập và vận hành hệ thống dữ liệu tích hợp mở cho đô thị thông minh (HPE). Phiên thảo luận cũng đã tập trung vào một số nội dung gồm: Phát triển nền tảng dùng chung cho phát triển đô thị thông minh và Chính phủ điện tử; xây dựng kiến trúc dữ liệu và hệ thống dữ liệu liên thông; tổ chức thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu cho thành phố; chiến lược phát triển mạng wifi cho đô thị thông minh; trung tâm điều hành tập trung đô thị thông minh; các ứng dụng và giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng đô thị thông minh…
Bài, ảnh: M.C
|