Bản in
Khám phá thế giới lượng tử huyền diệu và kì bí
Sáng 02/10, tại Hà Nội, Hội Vật lý Việt Nam phối hợp với Viện Toán học, Trung tâm Thông tin Tư liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức bài giảng đại chúng có tựa đề “Thế giới lượng tử huyền diệu và kì bí”.

Tham gia Hội thảo có các nhà khoa học hiện đang làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học tại các trường, viện nghiên cứu khác, sinh viên các trường đại học. 

PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội là diễn giả mở đầu bài giảng với nội dung “Hiện thực lượng tử và thực chứng”. Vật lý lượng tử ra đời, thay đổi hoàn toàn bức tranh công nghệ, tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba dựa trên thiết bị điện tử, điều khiển tự động và truyền thông. Tuy nhiên, lý thuyết lượng tử vẫn còn ẩn tàng những quan niệm triết học mới vẫn còn đang tranh luận liên quan tới nhận thức về hiện thực, vai trò của tâm lý và ý thức còn kéo dài đến này nay.

 

PGS.TS. Nguyễn Ái Việt trình bày bài giảng tại hội thảo “Hiện thực lượng tử và thực chứng”

Một trong những vấn đề quan trọng là quan niệm mới về hiện thực lượng tử gắn liền với người quan sát thông qua hiện tượng con mèo của Schrodinger và vướng lượng tử. Einstein và Schrodinger cho rằng cơ học lượng tử tuy có ích trong việc tiên đoán số liệu thực nghiệm nhưng chưa hoàn thiện và còn ẩn dấu các biến ẩn, dẫn đến các quan niệm mới về lượng tử của Bell và Bohm.

Bài nói chuyện thảo luận câu hỏi: Lượng tử là công cụ nghiên cứu hay nhận thức mới về hiện thực thống nhất với ý thức con người. Câu hỏi triết học này có thể mở ra những viễn cảnh mới về công nghệ máy tính thông minh tương lai.

 

PGS.TS. Nguyễn Bá Ân trình bày bài giảng với nội dung “Chút-ít về qu-bít và e-bít” (Abit about qubit and ebit)

Tiếp đến, PGS.TS. Nguyễn Bá Ân, Đại học Thăng Long đã có bài giảng thú vị, có nội dung “Chút-ít về qu-bít và e-bít” (Abit about qubit and ebit), đề cập đến hai khái niệm cơ bản của thông tin lượng tử và tính toán lượng tử là bit lượng tử (qubit) và bit rối lượng tử hay vướng lượng tử (ebit), tập trung vào ý nghĩa và tính hữu dụng của chúng. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Ân, thông tin lượng tử và tính toán lượng tử đã và đang là một chủ đề nóng được cho là sẽ cách mạng hóa khoa học và công nghệ trong thế kỷ XXI. Bài nói chuyện đã minh họa những ứng dụng nổi bật của sự rối lượng tử, viễn chuyển lượng tử (quantum teleportation) được mô tả, giải thích và bình luận.

Sau một thế kỷ phát triển, Vật lý lượng tử đang trên đường ra khỏi tháp ngà khoa học và ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống. Một trong những thiết bị nổi tiếng nhất, máy tính lượng tử, được kỳ vọng sẽ thay đổi sâu sắc xã hội chúng ta. Tuy mới chỉ tồn tại về mặt nguyên tắc, máy tính lượng tử đã tạo ra nhiều cơn sốt về thị trường việc làm, nguyên liệu và máy móc phụ trợ, cùng với các khoản tiền đầu tư rất lớn, đặc biệt giữa các cường quốc đang cần nhiều ưu thế cạnh tranh. Từ khi ra đời, bit lượng tử đã phát triển nhanh theo quy luật Moore của máy tính cổ điển. Sử dụng chồng chập lượng tử và vướng víu lượng tử, máy tính lượng tử có thể tính toán song song tới cấp độ từng bit, do đó tính toán nhanh hơn theo cấp số nhân so với máy tính thông thường. 

TS. Nguyễn Quốc Hưng  trả lời những câu hỏi của các nhà khoa học sau phần trình bày bài giảng “Kỷ nguyên của máy tính lượng tử”

Qua bài giảng “Kỷ nguyên của máy tính lượng tử”, TS. Nguyễn Quốc Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Chúng ta kì vọng vào máy tính lượng tử. Quan trọng hơn, sử dụng trực tiếp vật lý lượng tử, các mô phỏng thực hiện bởi máy tính lượng tử chính xác và nhanh hơn, được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều bài toán chưa có lời giải, mang lại tri thức mới”. 

PGS.TS. Đỗ Vân Nam (Trường ĐH Phenikaa) trình bày bài giảng thứ 4 tại hội thảo, có nội dung “Vật lý lượng tử và Công nghệ”

PGS.TS. Đỗ Vân Nam, Trường Đại học Phenikaa đã trình bày bài giảng thứ 4 tại Hội thảo có nội dung “Vật lý lượng tử và Công nghệ”. Lấy ví dụ cụ thể những sản phẩm công nghệ như: đèn Led, điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, PGS.TS. Đỗ Vân Nam đã cho biết nền tảng tri thức là vật lý lượng tử, đã cho phép sản xuất ra các sản phẩm hiện đại, có tác dụng làm thay đổi cuộc sống con người. “Đèn led hay điện thoại thông minh thực sự là những sản phẩm tích hợp rất nhiều công nghệ tuyệt diệu. Trong cái đèn có cái LED, trong cái camera của điện thoại thì có cái sensor nhạy sáng đóng vai trò ảo diệu nhất. Sau khi áp dụng các nguyên lý lượng tử thì chúng ta có thể hiểu được các tính chất của vật liệu. Vật liệu không đơn giản chỉ là các kim loại và điện môi và còn có một loại trung gian khác với khả năng nói chung là không dẫn điện nhưng trong một điều kiện thích hợp thì lại dẫn được điện, gọi là bán dẫn”, PGS.TS. Đỗ Vân Nam nhấn mạnh. 

Toàn cảnh Hội thảo 

Các bài giảng được trình bày dễ hiểu, có những minh họa sinh động đã khiến người nghe cảm thấy thú vị, khơi gợi được trí tò mò và khích lệ các ý kiến trao đổi. Một khán giả tại hội thảo đã đặt câu hỏi cho PGS.TS. Nguyễn Bá Ân: “Viễn chuyển lượng tử có ảnh hưởng gì đến đời sống hôn nhân gia đình?”. PGS.TS. Nguyễn Bá Ân đã đơn giản hóa câu trả lời bằng hình vẽ minh họa, khiến người xem hình dung được điều kiện và cách thức tương tác của viễn chuyển điện tử". 

Một khán giả đã nhận xét hội thảo đã kết nối được sự huyền diệu và kì bí của thế giới lượng tử. Một số thảo luận sau bài giảng đã bàn thêm về vai trò của khoa học thực nghiệm máy tính lượng tử, cũng như tương lai nghiên cứu về ứng dụng lượng tử tại Việt Nam. Theo các diễn giả, các nhà khoa học Việt Nam cần nghiên cứu về lượng tử và ứng dụng với sự liên kết đa ngành, trong đó toán học, vật lý và tin học là những ngành cần tiên phong. 

Hội thảo kết thúc sau gần 3 tiếng trình bày và thảo luận. Công chúng đánh giá các bài giảng thuyết phục, thú vị và có nhiều dẫn chứng gần gũi với cuộc sống đời thường bên cạnh kiến thức khoa học hàn lâm.

Kiều Anh (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)