|
|||
PV: Một trong những mục tiêu WB và Bộ KH&CN đặt ra đối với Dự án FISRT là thí điểm một số cơ chế, chính sách mới. Việc này đã được triển khai và đạt hiệu quả như thế nào, thưa ông? Ông Lương Văn Thắng: Một số thí điểm cơ chế cụ thể trong Dự án FIRST được Bộ KH&CN và WB đưa vào triển khai có thể kể đến là: thu hút các chuyên gia KH&CN giỏi nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài; huy động doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho KH&CN, đồng thời liên kết với nhau và liên kết với các nhà khoa học để ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới; khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN (start-up); đầu tư đúng ngưỡng tạo cú huých cho các tổ chức KH&CN công lập tự chủ, hướng đến việc trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong khu vực; cơ chế mới để lựa chọn, đầu tư và quản lý các đề tài/dự án KH&CN. Dưới sự giám sát chặt chẽ của WB và Bộ KH&CN, một mặt, Dự án FIRST đã đạt được các kết quả cam kết về “phần cứng” theo quy định; các kết quả cụ thể đó đã góp được một phần “đo lường” tính hợp lý của cơ chế trong thực tiễn. Từ đó, cung cấp thông tin để Bộ KH&CN có các quyết định chính sách lớn. Không phải đợi đến khi Dự án kết thúc, một số nội dung thí điểm của Dự án đã được tích hợp trong nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ĐMST trong thời gian qua như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam; đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN; giám sát, đánh giá các tổ chức KH&CN công lập;… PV: Dự án FIRST đã dành nguồn lực lớn hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN công lập thực hiện thành công dự án chuyển đổi theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này? - Dự án FIRST chỉ là một trong những “kênh” đầu tư của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành chủ quản để thúc đẩy năng lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN công lập theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững. Đây là một chủ trương ưu tiên của Nhà nước trong suốt thời gian qua. Dự án FIRST dành nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập tăng năng lực nghiên cứu bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, đào tạo chuyên sâu theo nhóm cho các nhà khoa học, làm chủ một số công nghệ cốt lõi. Qua đó, tạo ra một số sản phẩm chủ lực để thương mại hóa, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện Chiến lược chuyển đổi theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững về tài chính. Có thể nói, sự hỗ trợ từ Dự án FIRST của Bộ KH&CN đã góp phần tạo cú hích đáng kể để đơn vị thực hiện có hiệu quả chiến lược tự chủ của mình. 16 tổ chức KH&CN do FIRST tài trợ đã thực hiện được mục tiêu đề ra: các sản phẩm nghiên cứu, sáng chế/giải pháp hữu ích, giống cây trồng từng bước được thương mại hóa trên thị trường hoặc chuyển giao sang các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các phòng thí nghiệm được công nhận đạt chuẩn VILAS hoặc ISO 17025. Ví dụ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long sau khi thực hiện dự án, đã nâng cấp, hiện đại hóa được 6 phòng thí nghiệm, các cán bộ được đào tạo tại Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế. Viện đã làm chủ được công nghệ chọn tạo giống lúa mới trên cơ sở kết hợp lai hữu tính và sử dụng chỉ thị phân tử. Nhiều giống lúa mới của Viện đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, và được dùng thay thế các giống lúa trước đây. Hay Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu, qua thực hiện Dự án đã có 2 phòng thí nghiệm được đầu tư nâng cấp, trong đó có 1 phòng thí nghiệm đạt chuẩn VILAS; hơn 50 cán bộ được đào tạo; làm chủ công nghệ chế tạo, ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể, vật liệu nano trong lĩnh vực lọc hóa dầu; làm chủ công nghệ sản xuất 11 loại dung môi sinh học thay thế dung môi hóa thạch;... có 14 sáng chế được đăng ký trong đó có 4 sáng chế được chấp nhận ở Mỹ. Các sản phẩm được thương mại hóa, góp phần tăng gấp đôi doanh thu của đơn vị, sẽ tiến tới tự chủ hoàn toàn trong 5 năm tới. Hoặc có thể kể đến Viện tế bào gốc. Viện đã làm chủ được công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc phục vụ điều trị một số bệnh trên người; nâng cấp 3 phòng thí nghiệm, trong đó có 1 phòng đạt chuẩn ISO 7, một phòng đạt chuẩn ISO 17025; 5 sản phẩm được đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích; 2 sản phẩm được chuyển giao cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu lớn đảm bảo cho Viện tự chủ 100%. PV: Một trong những chính sách WB và Bộ KH&CN thí điểm là thu hút các chuyên gia giỏi. Ông đánh giá thế nào về vai trò của việc thu hút các chuyên gia giỏi để hỗ trợ các tổ chức KH&CN trong nước nâng cao năng lực nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và cụ thể với Dự án FIRST như thế nào? - Thứ nhất, việc thu hút chuyên gia sẽ trực tiếp giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề cấp thiết, nút thắt về công nghệ cụ thể các tổ chức KH&CN trong nước đã và đang phải tập trung tháo gỡ, giải quyết để tiếp tục phát triển trong nghiên cứu, ứng dụng. Thứ hai, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN cụ thể, liên kết hoạt động nghiên cứu của các tổ chức KH&CN với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu thông qua sự cộng sinh giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp để thúc đẩy ĐMST tại các doanh nghiệp. Thứ ba, cập nhật, chuyển giao tri thức mới về các thành tựu có tính đột phá, xu thế, triển vọng phát triển của các lĩnh vực KH&CN chuyên sâu, từ đó giúp đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận, có định hướng phù hợp với xu thế phát triển của KH&CN thế giới và khả thi hơn đới với điều kiện thực tế của Việt Nam. Thứ tư, góp phần hình thành, phát triển các nhóm hoặc tập thể nghiên cứu mạnh thông qua các hoạt động cùng nghiên cứu, đào tạo, tập huấn chuyên sâu về công nghệ tại Việt Nam và tại các phòng thí nghiệm hiện đại ở nước ngoài, nơi các chuyên gia giỏi nước ngoài đã, đang làm việc. Thứ năm, kết nối, hình thành và phát triển mạng lưới, cộng đồng các nhà khoa học trong nước và quốc tế có cùng chuyên môn sâu, năng lực, kinh nghiệm phù hợp và có tình cảm, mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Chế phẩm khử mùi dân dụng, công nghiệp an toàn, hiệu quả sử dụng dung môi sinh học của Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu Có thể kể một số tiểu dự án điển hình như: Tiểu dự án “Tiếp thu và làm chủ công nghệ dự báo bão hạn mùa bằng mô hình động lực, phục vụ công tác bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội và an ninh trên khu vực Biển Đông - Việt Nam” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện với sự hỗ trợ trực tiếp của 5 chuyên gia giỏi của Úc, từ CSIRO trong đó có 1 chuyên gia kiều bào. Qua tiểu dự án, 7 nhà khoa học Việt Nam được đào tạo chuyên sâu tại phòng thí nghiệm hiện đại của Úc, làm chủ hệ thống tính toán hiệu năng cao và hệ thống lưu trữ dữ liệu phụ vụ việc thử nghiệm hệ thống mô hình dự báo. Hệ thống mô hình dự báo bão theo mùa đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Trong thời gian chưa đầy 2 năm, Việt Nam đã tiếp thu, làm chủ công nghệ dự báo bão hạn mùa bằng mô hình động lực, phục vụ công tác bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội và an ninh trên khu vực Biển Đông - Việt Nam. Các cơn bảo ở Biển đông từ nay có thể được dự báo tương đối chính xác trước 6 - 9 tháng. Tiểu dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo vật liệu có độ dẫn nhiệt cao chứa thành phần cacbon cấu trúc Nano và ứng dụng trong tản nhiệt cho linh kiện điện tử công suất lớn” do Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên gia giỏi người Việt Nam ở Hoa Kỳ. Tiểu dự án đã tiếp thu, làm chủ 4 quy trình công nghệ mới; 3 đơn đăng ký sáng chế hợp lệ, trong đó 1 bằng sáng chế độc quyền đã được cấp; có 6 công bố khoa học. Tiểu dự án đã ký kết được thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với 1 doanh nghiệp để sản xuất đèn LED công suất cao (sử dụng chất lỏng và kem tản nhiệt) cho thị trường Việt Nam. Tiểu dự án “Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi Nhật Bản, trong đó có chuyên gia giỏi người Việt Nam ở Nhật Bản. Tiểu dự án đã làm chủ 2 quy trình công nghệ và phương pháp kiểm tra, gồm quy trình công nghệ thiết kế vi mạch số công suất thấp, phương pháp đo và kiểm tra chip công suất thấp công nghệ 65nm; chế tạo thành công 2 sản phẩm mới là bo mạch test chip và chip công nghệ SOTB 65nm. Đào tạo hơn 50 cán bộ tại Nhật Bản về kỹ thuật thiết kế, ứng dụng vi mạch công suất thấp. PV: Có ý kiến cho rằng, để phát triển KH&CN và thúc đẩy ĐMST cần tăng cường ĐMST trong doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống ĐMST. Ông có thể cho biết Dự án FIRST đã góp phần thực hiện định hướng này như thế nào? - Dự án FIRST được thiết kế bởi Bộ KH&CN và WB với mục tiêu thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam, trong đó chú trọng đến hoạt động ĐMST trong các doanh nghiệp. Do vậy, ngay từ ban đầu doanh nghiệp đã được đặt vào vị trí trung tâm, cụ thể: Doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp và chủ động đề xuất ý tưởng, lựa chọn công nghệ, lựa chọn đối tác liên kết lên kế hoạch thực hiện. Họ cũng là chủ thể trực tiếp quyết định sử dụng nguồn lực của mình kết hợp với nguồn lực từ Dự án FIRST để đạt được kết quả cuối cùng. Đồng thời, là chủ thể trực tiếp quyết định sản phẩm và chiến lược kinh doanh sau khi dự án kết thúc. Trong quá trình triển khai, Ban Quản lý Dự án FIRST có nhiệm vụ giám sát để bảo đảm vai trò trung tâm của doanh nghiệp được thể hiện như đã thiết kế. PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Chi (ghi)
|